Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

BẢN TIN HĂNG TUẦN SỐ 758

 


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Ga 20, 19-31

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 

SUY NIỆM

Đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại hai lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ.

Lần thứ nhất: Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với nhóm các môn đệ đang run sợ trong căn phòng đóng kín. Ngài đã cầu chúc bình an, còn các ông thì vui mừng khi gặp lại Ngài. Chúa Giêsu hiện ra không phải chỉ để đem lại cho các ông niềm vui mừng và an ủi sau những giờ phút kinh hoàng của cuộc thương khó. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn muốn mời gọi các ông tham dự vào sự biến đổi sâu xa nơi bản thân Ngài. Các ông đã biết Ngài trong cuộc sống thân xác, nhưng cuộc sống ấy đã qua bởi vì Ngài đã sống lại, đã được đổi mới trong Thánh Thần cho một cuộc sống mới, trong một cuộc sáng tạo mới. Đồng thời Ngài hà hơi để ban cho các ông sinh khí mới là Thánh thần. Chính nguồn sinh khí mới này sẽ đem lại cho các ông quyền tha tội, mà trước đây chỉ dành cho một mình Chúa Giêsu. Và sau đó, Ngài sai các ông lên đường làm chứng cho Ngài.

Lần thứ hai Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, trong đó có cả Tôma một người vốn cứng lòng. Và chúng ta thấy Tôma đã tuyên xưng đức tin của mình sau khi đã nhìn thấy những vết thương nơi tay chân và trái tim của Chúa. Từ đó, Ngài mời gọi các ông hãy có lấy một lòng tin mới. Từ nay lòng tin sẽ không còn đặt nền tảng trên giác quan, mà là trên chứng từ của những người đã thấy. Chính với lòng tin này mà người Kitô hữu được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô Phục sinh.

Ngày nay, mỗi chúng ta cũng sẽ tiếp nối sứ mạng được sai đi làm chứng cho Chúa, để xây dựng một quan hệ mới giữa con người với con người. Con người thuộc thế giới cũ, bị đặt dưới quyền lực của sự chết và bị coi như thù địch. Trong khi đó, con người phục sinh với cuộc sống mới, phải đối xử với nhau như anh em phải yêu thương và đùm bọc lấy nhau. Thực hiện được sứ mạng sai đi như thế, là chúng ta đã chu toàn được điều Đức Kitô Phục sinh nhắn gởi đến mỗi người chúng ta.

 

BẢN TIN

1. Liên Hiệp Quốc và Vatican cùng loại bỏ “Đạo lý về sự khám phá”

Ông José Francisco Calí Tzay, chuyên gia về quyền người bản địa của Liên Hiệp Quốc chào mừng việc Vatican loại bỏ “Đạo lý về sự khám phá”, và bày tỏ hy vọng các chính phủ khác theo Toà Thánh trong lĩnh vực này. “Đạo lý về sự khám phá” là một lý thuyết để biện minh cho việc những người thực dân châu Âu có quyền chiếm đoạt đất đai và tài sản của người bản địa bằng cách mua lại hoặc chinh phục.

Trong một tuyên bố chung vào ngày 30/3/2023, Bộ Văn hoá và Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã chính thức bác bỏ “những khái niệm không công nhận quyền của người bản địa, bao gồm cả những gì được gọi là ‘Đạo lý về sự khám phá’ về pháp lý và chính trị”.

Tuyên bố viết: “Nhờ đối thoại với người bản địa, Giáo hội đã nhận thức rõ hơn về những đau khổ trong quá khứ và hiện tại của họ, do bị chiếm đoạt đất đai… cũng như các chính sách cưỡng bức đồng hoá, được thúc đẩy bởi chính quyền, nhằm mục đích loại bỏ văn hoá của họ”.

Toà Thánh khẳng định “Đạo lý về sự khám phá” không phải là một phần trong giáo lý của Giáo hội Công giáo. Thực tế, trong lịch sử, các Giáo hoàng đã lên án các hành động bạo hành, áp bức, bất công xã hội và chế độ nô lệ, kể cả hành vi chống lại người dân bản địa. Hơn thế nữa, trong Giáo hội đã có nhiều mẫu gương của các Giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân hy sinh mạng sống để bảo vệ nhân phẩm cho các dân tộc đó.

Trong tuyên bố, hai Bộ của Toà Thánh cũng nhìn nhận nhiều Kitô hữu đã thực hiện những hành vi xấu xa chống người bản địa. Và chính vì thế, các vị Giáo hoàng gần đây đã nhiều lần xin tha thứ về hành vi này.

Ông José Francisco Calí Tzay, chuyên gia về quyền người bản địa của Liên Hiệp Quốc cho rằng “Đạo lý về sự khám phá” là một vết thương mở đối với nhiều người bản địa trên khắp thế giới. Điều này phải được giải quyết như một phần của quá trình hoà giải giữa các dân tộc bản địa và các quốc gia thuộc địa.

Với tuyên bố của Vatican, chuyên gia của Liên Hiệp Quốc khen ngợi sự công nhận của Toà Thánh về những tác hại của thực dân hoá, gồm cả nỗi đau mà người dân bản địa phải chịu đựng, và chào mừng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong việc thúc đẩy sự tôn trọng và đối thoại lẫn nhau, đồng thời từ bỏ não trạng thực dân hoá. Quan chức của Liên Hiệp Quốc còn kêu gọi các chính phủ khác theo Toà Thánh thực hiện điều này.

Tác giả: Ngọc Yến - Vatican News


2. Chủ đề Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi

Ngày 13/4/2023, Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự Sống đã công bố chủ đề của Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba, được cử hành vào ngày 23/7 năm nay (2023): “Lòng thương xót của Người từ đời nọ sang đời kia” (Lc 1,50).

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào năm 2021 bởi vì, theo ngài, các ông bà thường bị quên lãng, tuy nhiên họ “là sự kết nối giữa các thế hệ khi chuyển trao kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đức tin cho thế hệ trẻ”.

Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật thứ tư của tháng 7, gần với lễ kính nhớ hai thánh Gioakim và Anna, thân sinh của Mẹ Maria. 

Chủ đề kết nối với chủ đề của Đại hội Quốc tế Giới trẻ Lisbon

Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề cho Ngày này năm nay là “Lòng thương xót của Người từ đời nọ sang đời kia” (Lc 1,50). Chủ đề này kết nối với chủ đề Đại hội Quốc tế Giới trẻ, từ ngày 1 đến 6/8 năm nay (2023), cũng trích từ chương 1 của Phúc Âm Thánh Luca: “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1,39).

Tuyên bố của Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự Sống nói rằng chủ đề của Đại hội Quốc tế Giới trẻ cho chúng ta thấy thiếu nữ Maria lên đường đi tìm gặp người chị họ cao tuổi Elizabeth và đã lớn tiếng công bố, trong kinh Magnificat, sức mạnh của liên minh giữa người trẻ và người già.

Vào Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi năm nay, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại đền thờ Thánh Phêrô và mời các giáo xứ, giáo phận, hiệp hội và cộng đồng giáo hội ở khắp nơi trên thế giới cử hành Ngày này trong bối cảnh mục vụ của họ. (CSR_1471_2023)

Tác giả: Hồng Thủy - Vatican News

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Bà Matta Trần Thị Dụng, sinh 1944 tại Quảng Bình, là mẹ của anh Phêrô Nguyễn Minh Phước, ở tại giáo họ Anrê Trông, đã qua đời ngày 8/4/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 10/4/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Vinh An.

ông Phêrô Lê Văn Ánh, sinh 1959 tại Sài Gòn, là chồng của chị Matta Nguyễn Thị Thảo, ở tại giáo họ Anrê Trông, đã qua đời ngày 11/4/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 14/4/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Vinh An. 

Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Matta và Phêrô mau về hưởng tôn nhan Chúa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét