Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 757

 


CHÚA NHẬT I PHỤC SINH

Ga 20, 1-9

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

 

SUY NIỆM

Người ta nói “chết là một phần tất yếu của cuộc sống”. Cái chết không loại trừ bất cứ ai. Tất cả cùng đi vào dĩ vãng của dòng đời, đôi khi chẳng để lại cho đời một chút luyến tiếc, nhớ thương.

Tuy nhiên, một điều mà nhân loại vẫn thao thức qua qua mọi thời đại là chết rồi đi đâu? Nơi ấy con người ra sao? Sinh vật nào hiện diện và sự sinh hoạt nơi ấy diễn ra có giống với thế giới mà ta gọi là dương thế hay dương gian hay không?

Cho đến nay, cái chết vẫn là ẩn số mà các nhà khoa học không bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng. Vì nó vẫn vượt lên trên sự suy nghĩ của con người, và có lẽ con người sẽ không bao giờ lý giải được về cái chết.

Người Kitô hữu chúng ta chỉ biết được cái chết một cách trọn vẹn trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô. Sự sống lại của Chúa là lời mạc khải về sự sống đời sau. Sự sống lại là hồng phúc mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái chết của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Sự phục sinh của Chúa Giêsu được Phúc Âm ghi lại qua những lần Chúa hiện ra với các môn đệ, với những người thân tín của Chúa. Sự Phục sinh của Chúa còn được ghi dấu ấn qua ngôi mộ trống.

Sự Phục sinh của Chúa cho chúng ta một niềm vui mừng và hy vọng cho kiếp người chúng ta. Cái chết chỉ là một chuyển tiếp để được sống mãi bên Chúa nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô.

Cùng chết với Đức Kitô nghĩa là cùng chết đi con người cũ với những tính hư nết xấu để sống lại con người mới là con cái Thiên Chúa. Con người cũng phải chôn đi những tính xác thịt yếu đuối để từ khước những danh lợi thú mau qua. Nhất là con người cũng phải biết chết đi ý riêng của mình để ý Chúa được thục hiện trong cuộc đời chúng ta. Ý Chúa vẫn là tiếng mời gọi làm việc lành tránh điều dữ. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta sống có ích cho tha nhân qua tinh thần bác ái, dấn thân phục vụ.

Ước gì đời sống Kitô hữu chúng ta luôn biết chết đi con người cũ để được sống lại với Chúa trong vinh quang phục sinh. Xin cho chúng ta đừng vì những đam mê lầm lạc mà đánh mất nước Trời mai sau. Amen.

 

BẢN TIN

1.             Hungary hy vọng Đức Thánh Cha đến đất nước để thắp sáng đức tin

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, ông Eduard Habsburg, Đại sứ của Hungary cạnh Toà Thánh cho biết, người dân đang mong đợi chuyến tông du của Đức Thánh Cha vào cuối tháng này, và tin rằng ngài đến để thắp sáng đức tin cho mọi người.

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Hungary từ ngày 28 đến 30/4/2023. Đây là lần viếng thăm lần thứ hai trong hai năm qua. Trước đó, vào tháng 9/2021, ngài đã đến Hungary để chủ sự Thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, được cử hành tại Quảng trường Anh hùng ở thủ đô Budapest.

Đề cập chuyến tông du, ông Habsburg nhấn mạnh cuộc viếng thăm lần này rất có ý nghĩa với người dân Hungary. Lần trước, Đức Thánh Cha chỉ ở 7 tiếng, nhưng mỗi giây phút đều có giá trị. Người dân cảm nhận được tình thương của Đức Thánh Cha dành cho họ trong cuộc viếng thăm lần trước. Vì thế dân chúng rất mong đợi cuộc viếng thăm, và theo ông, sự nhiệt tình và sẵn sàng cho cuộc viếng thăm này còn lớn hơn lần trước, nhiều hoạt động, với các buổi gặp gỡ, phỏng vấn, hoạt động chuẩn bị đang rộn ràng khắp nơi.

Với câu hỏi về đời sống đức tin của người Công giáo, Đại sứ khẳng định: “Chúng tôi có một đất nước không sợ thể hiện niềm tin tôn giáo ở nơi công cộng. Chúng tôi có một sự tách biệt rõ ràng giữa Giáo hội và Nhà nước, bởi vì ngày nay điều đó luôn bình thường, nhưng Giáo hội và Nhà nước cùng nhau làm việc”. Ở điểm này ông Habsburg giải thích thêm, Hiến pháp của Hungary được bắt đầu với từ “Chúa” và những lời của quốc ca được bắt đầu: “Thiên Chúa chúc lành cho người Hungary”. Đây là dấu hiệu rõ ràng về căn tính Kitô của đất nước. Điều này có thể thấy rõ trong thực tế, như người dân rất quan tâm đến những gì Đức Thánh Cha đang làm, những gì đang diễn ra ở Vatican, và cả Giáo hội hoàn vũ. Đến Hungary, người ta sẽ thấy một quốc gia Kitô đầy sức sống.

Trong bối cảnh cuộc viếng thăm, chiến tranh tại Ucraina vẫn tiếp diễn, và trong hơn một năm qua khoảng một triệu người Ucraina đã đi qua Hungary, một số trong đó đã ở lại. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp người tị nạn trong cuộc viếng thăm. Nói về điều này, ông Habsburg cho biết những người tị nạn muốn ở lại Hungary đã được tạo công ăn việc làm, còn trẻ em thì được đến trường. Đối với ông, đây là sáng kiến trợ giúp nhân đạo lớn nhất mà Hungary đã từng thực hiện trong lịch sử đất nước. Và mọi người sẽ tiếp tục làm như vậy nếu cần thiết. Ông nói Đức Thánh Cha biết Hungary đang làm phần của mình trong việc giảm bớt tình trạng khó khăn của người di cư. Vì thế cuộc gặp gỡ sẽ là một sự khích lệ cho những ai đang rộng tay đón tiếp người tị nạn.

Vào cuối cuộc phỏng vấn, Đại sứ hy vọng qua chuyến tông du này lịch sử tuyệt vời về tình bạn giữa Đức Thánh Cha và người dân Hungary tiếp tục. Lần này, vị cha chung của các tín hữu Công giáo trên khắp thế giới sẽ thắp sáng niềm tin cho đất nước.

Ngọc Yến - Vatican News

 

2.      Thánh lễ truyền dầu tại nhà thờ chính tòa giáo phận phan thiết

Lúc 8h30, thứ Tư, ngày 05/4/2023, mọi thành phần dân Chúa Giáo phận Phan Thiết qui tụ tại Nhà thờ Chính Tòa để hiệp thông với Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận trong Thánh lễ Truyền Dầu. Thánh Lễ sáng nay, Đức Giám mục sẽ thánh hiến Dầu thánh, làm phép Dầu Dự tòng và Dầu Bệnh nhân.

Giáo hội xin Chúa thánh hóa Dầu, để Dầu thấm đượm sức mạnh của Chúa Thánh Thần và quyền năng Chúa Kitô, làm cho Dầu trở thành Bí tích mang lại ơn cứu độ và sự sống vẹn toàn cho những ai tin tưởng lãnh nhận. Trong các bí tích, khi Dầu thấm nhập vào thân xác, thì ân sủng của Chúa Thánh Thần sẽ chữa lành và cứu độ.

Hôm nay, cũng là dịp đặc biệt và hữu ích để Linh mục đoàn Giáo phận Phan Thiết bày tỏ cách cụ thể tình hiệp thông với Đức Giám mục, là vị chủ chăn tối cao của Giáo phận. Đây còn là hình ảnh sống động của Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã dạy: “Mỗi khi Đức Giám Mục cử hành phụng vụ với đoàn chiên của mình, cùng với Linh mục đoàn và các Thừa tác viên bao quanh, thì đó chính là lúc mầu nhiệm Giáo hội được tỏ lộ và là dấu chỉ sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô”.

Xin cho các linh mục, bởi chính đời sống, có thể làm chứng cho mọi người một cách thuyết phục rằng: “Những ai từng gặp Đức Kitô trong cuộc đời của mình đều luôn cảm thấy một sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn mà không một ai, không một hoàn cảnh nào có thể lấy đi khỏi con người họ.”

Hôm nay, Đức Giám mục Giáo phận sẽ ban Phép lành Tòa Thánh với ơn Toàn xá cho những ai Tham dự Thánh lễ Dầu với các điều kiện thông thường: Xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

 

THÔNG BÁO

Giáo xứ xin tri ân một ân nhân, thuộc giáo họ Giuse Thị đã ủng hộ cho giáo xứ 2 cây quạt lớn. Xin Chúa chúc lành cho quý vị


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét