Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 601

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH B

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Mc 16, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

SUY NIỆM

Lễ Thăng Thiên là bảo chứng cho niềm hy vọng của người Kitô hữu. Chúa Giêsu về trời, “Ngài đã đi trước mở đường dẫn chúng ta vào Nước Trời, khiến chúng ta là những chi thể của Ngài nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Ngài hưởng phúc vinh quang” (Lời nguyện Lễ Thăng Thiên).

Thật thế, “quê hương chúng ta ở trên trời”. (Pl 3,20). Nên chúng ta “hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1).” Cùng đích của đời người không phải là cõi đời này. Mỗi ngày sống là mỗi ngày chúng ta tiến về cùng đích của mình.

TIN TỨC

1.         Giám mục Ấn Độ thứ hai chết vì Covid-19

Giám mục Ấn Độ thứ hai chết vì Covid-19: Đó là Đức cha Basil Bhuriya, Giám mục giáo phận Jabhua, thuộc bang Madhya Pradesh, thọ 65 tuổi.

Đức cha Bhuriya được đưa vào nhà thương thánh Phanxicô ở thành phố Indore để điều trị vì bị nhiễm Covid-19. Tại đây, ngài qua đời hôm 6/5/2021 vì một cơn đau tim. Ngài thuộc dòng Ngôi Lời và được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Jabhua cách đây 5 năm, vào ngày 18/7/2015.

 Trước đó, ngày 4/5/2021, Đức cha Antony Anandaryar, nguyên Tổng giám mục giáo phận Pondicheery-Cuddalore, cũng đã qua đời vì Coronavirus.

 G. Trần Đức Anh, O.P.

2.         Kenya tuyên bố địa điểm ĐTC cử hành Thánh lễ hồi năm 2015 là “di tích quốc gia"

Quyết định của Bộ trưởng Thể thao, Văn hóa và Di sản Lịch sử, được đăng trên công báo của Cộng hòa Kenya ngày 30.04 vừa qua, nhấn mạnh rằng nơi này có ý nghĩa lịch sử và giá trị đặc biệt. Trong sắc lệnh, Bộ trưởng xác định: “Toàn bộ tòa nhà và khu liên hợp thể thao liền kề, của Đại học Nairobi cũng như khu vực xung quanh, được tuyên bố là ‘di tích quốc gia’”.

Tòa nhà được gọi là Papal Dias, có ba phòng lớn, đầy đủ tiện nghi, được sử dụng làm phòng thánh cho Đức Giáo hoàng, các Hồng y và giám mục người Kenya, cũng như các giám mục thuộc phái đoàn của Vatican. Một nhà nguyện cũng được thiết kế có một Nhà Tạm, nơi cất giữ Mình Thánh sau Thánh lễ của Đức Giáo hoàng.

Giáo hội Công giáo Kenya đã hoan nghênh quyết định của chính phủ cho phép lưu giữ các hoạt động của Đức Thánh Cha trong chuyến thăm ba ngày tại đất nước của họ. Trong báo cáo của Hiệp hội các thành viên của Hội đồng Giám mục Đông Phi, Đức cha Philip Arnold Anyolo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Kenya cho biết: “Chúng tôi sẽ viết lịch sử chuyến thăm của Đức Giáo hoàng ở đó để mọi người có thể đọc nó và các thế hệ tương lai có thể tìm hiểu thêm về chuyến thăm này của Đức Giáo hoàng”. (Cath.ch 08/05/2021)

Hồng Thủy

3.         Nhiều Kitô hữu rời Hong Kong sang Đài Loan

Năm nay, có khoảng 10.000 người dân Hong Kong di cư sang Đài Loan, trong đó có một số vị lãnh đạo và Kitô hữu, để tránh các cuộc bách hại của nhà nước Trung Quốc.

Tổ chức Quốc tế Quan tâm Kitô (International Christian Concern), gọi tắt là ICC, cho biết nhiều Kitô hữu bị cáo về tội xúi giục khuynh đảo nhà nước, chiếu theo đạo luật đàn áp về an ninh quốc gia.
Trong thông cáo công bố ngày 10/5/2021 vừa qua, Tổ chức Quốc tế Quan tâm Kitô nói rằng số người di tản ồ ạt như thế là một ví dụ điển hình cho thấy chế độ cộng sản tại Trung Quốc tiếp tục bách hại các tôn giáo tại Hoa Lục và mở rộng ra ngoài. Cảnh sát Hong Kong đã chặn các trang mạng của Giáo hội nào vi phạm luật an ninh quốc gia.
Tổ chức ICC than rằng từ khi chính quyền Hong Kong chấp nhận đạo luật về an ninh quốc gia, hồi tháng Sáu năm ngoái theo lời yêu cầu của nhà nước Bắc Kinh, các vị lãnh đạo tôn giáo từ lâu vẫn ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận ở Hong Kong đã chịu nhiều sức ép. Luật này lên án là khuynh đảo và nổi loạn một loạt các hoạt động vốn được coi là hợp pháp trước đó tại Hong Kong. Sự việc này tạo nên sự phản đối trên thế giới và coi đó là một sự vi phạm trắng trợn lời hứa của Trung Quốc, tôn trọng quyền tự trị và tự do của Hong Kong trong khuôn khổ một nước hai chế độ, khi Anh quốc trả lại Hong Kong cho Trung Quốc hồi năm 1997.

4.         Đức Tổng giám mục Menamparampil tố giác ý thức hệ của thủ tướng Ấn Độ

Đức Tổng giám mục Menamparampil, dòng Don Bosco, năm nay 84 tuổi, làm Tổng giám mục giáo phận Guwahati cho đến khi về hưu năm 2012. Thành phố này là thủ phủ bang Assam ở miền đông bắc Ấn Độ. Năm 2009, sau những vụ bách hại các Kitô hữu ở bang Orissa, Đức Thánh cha Biển Đức XVI đã ủy cho Đức Tổng giám mục soạn các bài suy niệm cho buổi đi đàng Thánh giá ở Hý trường Colosseo, tối thứ Sáu Tuần thánh năm đó.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Asia News, truyền đi hôm 10/5 vừa qua, Đức Tổng giám mục Menamparampil nói: “Cách thức chính quyền của thủ tướng Modi đối phó với đại dịch thật là đau buồn. Họ không nghe các chuyên gia. Chương trình chính trị được nhà nước coi trọng hơn việc bảo vệ dân chúng. Guồng máy tuyên truyền của chính phủ quá bận tâm tới việc lèo lái xã hội, trong một thế giới tưởng tượng và tự đề cao mình. Họ phổ biến huyền thoại xưa kia về sự cao cả của Ấn, dựa trên một quá khứ tưởng tượng. Và cũng có những người xu thời chiều theo những tuyên truyền huênh hoang của nhà nước, chiều theo những quyết định chính trị... Nay tất cả những phúc trình chính thức do Ấn Độ soạn ra đều mất uy tín đối với quốc tế, kể cả về những vấn đề như thành tựu kinh tế, những thống kê về sự tăng trưởng, những chỉ số về trợ giúp y tế, những dự án đã thực hiện và những tiên báo về tương lai”

Đức Tổng giám mục Menamparampil cũng cho biết ai phê bình chính quyền Ấn thì bị cáo là nổi loạn, như trường hợp cha Stan Swamy, dòng Tên, 84 tuổi, bị cầm tù từ bốn tháng nay. Cha bênh vực người nghèo, nhưng bị nhà nước buộc vào tội theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông và xúi dân nổi loạn.

Đài Chân Lý Á Châu

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét