CHÚA NHẬT III PHỤC
SINH B
(Lc 24, 35-48)
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và
hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng
giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi
người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và
lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà
xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người
đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa
hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá
nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho
họ. Đoạn Người phán: "Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở
với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật
Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am
hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: "Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu
thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh
Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt
đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều
ấy".
SUY NIỆM
Đức Giêsu đã sống lại như lời Ngài đã báo trước, nhưng nhiều
nguời còn hoài nghi. Sự kiện ngôi mồ trống chưa thể xác quyết được việc Chúa
sống lại từ cõi chết. Ngày thứ nhất trong tuần, chính Đức Giêsu đã hiện ra với
bà Maria Madalena từ sáng sớm, với hai môn đệ đi làng Emmau vào buổi chiều và
với mười Tông đồ tại nhà Tiệc ly vào buổi tối, để chứng minh là Ngài đã sống
lại thật.
Sau khi đã được thấy cả con người Phục sinh của Chúa với
những lỗ đinh ở chân tay cùng với cạnh sườn, cũng như thấy Ngài cùng ăn với các
ông, lúc đó các ông mới xác tín rằng Chúa đã sống lại. Các ông đã trở nên những
chứng nhân trung thành của Chúa phục sinh, và từ đó, các ông đi loan truyền cho
mọi người biến cố Phục sinh của Chúa.
Chúng ta không được diễm phúc trông thấy Chúa sống lại như
các Tông đồ, nhưng nhờ Thánh kinh, chúng ta tin vững chắc Chúa đã sống lại.
Việc Phục sinh của Chúa sẽ là nền tảng cho đời sống Kitô hữu chúng ta. Và từ
nền tảng này, chúng ta sẽ loan báo Chúa Phục sinh cho những người chung quanh
bằng cuộc sống thường ngày của chúng ta.
TIN TỨC
1.
Hội đồng Giám mục Việt Nam
họp Hội nghị thường niên lần I/2021
WHĐ (12.04.2021) - Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã khai
mạc Hội nghị thường niên lần I/2021, được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 16 tháng
4 tại Toà Giám mục Nha Trang. 19g30 ngày 12 tháng 4 năm 2021, Đức cha Phêrô
Nguyễn Văn Khảm - Tổng Thư ký HĐGM - đã chủ sự Chầu Thánh Thể, tiếp theo là cử
hành phụng vụ Kinh Tối. Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng với 25 Giám mục
chính toà và Giám quản tông toà của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đã hiện
diện trong sự tiếp đón nồng hậu và ân cần của Giáo phận Nha Trang.
Nhân dịp này, Giáo phận Nha Trang sẽ tổ chức Thánh lễ tạ ơn
vào chiều ngày 15 tháng 4 mừng kỷ niệm 350 năm Đức cha Pierre Lambert de la
Motte - Đại diện Tông tòa đầu tiên của Đàng Trong - đặt chân đến vùng đất Nha
Trang và kỷ niệm 50 năm linh mục của Đức cha Giuse Võ Đức Minh - Giám mục Giáo
phận Nha Trang.
Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ
2.
95 năm thành lập Ngày Thế
Giới Truyền Giáo (14/4/1926 – 14/4/2021)
Trong cuộc họp khoáng đại của Hội đồng Cấp cao của Hội Giáo
Hoàng Truyền bá Đức tin được tổ chức vào tháng 3 năm 1926 có bàn về việc thành
lập Ngày Truyền giáo. Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã
yêu cầu thiết lập một ngày cầu nguyện và truyền bá sứ vụ Truyền giáo; ngày này
sẽ được cử hành vào ngày Chúa nhật áp chót của tháng 10 trong tất cả các Giáo
phận, Giáo xứ và các Học viện của thế giới Công giáo.
Chỉ một tháng sau đó, vào ngày 14 tháng 4 năm 1926, Đức
Thánh Cha đã bày tỏ sự đồng ý của mình qua lá thư của Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí
tích.
Vào ngày 18 tháng 6 năm 1927, Đức Hồng y Van Rossum, Tổng
trưởng Bộ Truyền bá Đức Tin, đã viết thư cho Đức ông Drago, Chủ tịch tại Ý
thuộc Hội Truyền bá Đức tin, mời ngài tổ chức Ngày Thế giới Truyền giáo vào
Chúa nhật áp chót của tháng Mười, và khẳng định đây là “Ngày lễ đích thực của
Tông đồ đoàn, ngày trọng đại của Tông đồ đoàn; bởi Giáo hội là Mẹ của mọi
người, mọi thời đại, tại mọi quốc gia cho đến tận cùng thế giới”.
Chính Đức Hồng Y Van Rossum đã thiết lập một số “quy tắc thực
tiễn” cho Ngày Truyền Giáo của Hội Truyền bá Đức Tin: tất cả các Giáo phận, các
Giáo xứ và các Học viện cần chuẩn bị một cách chu đáo; sự quan tâm đầu tiên và
chủ yếu là cầu nguyện với Chủ mùa gặt; còn những nghi thức sẽ được xúc tiến bởi
Hội Truyền bá Đức tin; sau cùng, những của dâng cúng dồi dào quảng đại sẽ được
thu thập bằng mọi cách tốt nhất, tất cả những của này phải được chuyển toàn bộ
đến Hội Truyền bá Đức tin theo sự sắp xếp của Tòa Thánh.
Chủ tịch của Hội Truyền bá Đức tin sẽ gửi tài liệu thông báo
đến các nơi có liên quan trong thời gian thích hợp.
Các quy định khác về việc tổ chức Ngày Thế giới Truyền giáo
đã được Đức Hồng y Fumasoni Biondi, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo đưa vào ngày 29
tháng 6 năm 1952.
Kể từ khi Đức Phaolô VI được bầu làm Giáo hoàng năm 1963 cho
đến nay, thói quen công bố “Sứ điệp” Ngày Thế Giới Truyền giáo đã
được thiết lập, và được biết đến vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống[1].
Đối với nước Ý, kể từ năm 1968, toàn bộ tháng 10 đã trở thành
“tháng truyền giáo” được chia thành các tuần kế tiếp nhau dành cho việc: cầu
nguyện, hy sinh, các ơn gọi, bác ái và tạ ơn.
Nt. Maria Phạm Thị Hoa
PHỤNG VỤ
1. Vào lúc 4g45, Thứ 4 (21.04.2021) lễ cưới cho đôi anh
chị: Giuse Nguyễn Minh Châu + Maria Đinh Thị Thuỳ Vân.
2. Vào lúc 4g45, Thứ 7 (24.04.2021) lễ cưới cho đôi anh chị:
Phêrô Vũ Đan Duy + Maria Nguyễn Thị Kim Sương
THÔNG BÁO
1. Tổng số tiền quyên góp trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh để trợ giúp Đất Thánh và Quỹ bão lụt của Ủy Ban Bác ái xã hội trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam là: 28 triệu 120 ngàn đồng.
2. Giáo
xứ xin cám ơn: Bà Báu (Gh. Simon Hoà) ủng hộ giúp đỡ cho người nghèo 3 triệu
đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét