Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 595


 

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

(Ga 20, 1-9)

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết. 

SUY NIỆM

 Lời đầu tiên của Đức Ki-tô phục sinh nói với các môn đệ là lời chúc: “Bình an cho anh em.” Nếu chúng ta nhớ Đấng nói lời này cũng chính là Đấng trước khi chịu chết đã yêu thương các môn đệ và yêu tới cùng (x. Ga 13,1), thì chúng ta hiểu ra rằng tình yêu dẫn đến chấp nhận khổ giá thì phục sinh chính là tình yêu đem lại bình an cho người mình yêu.

ĐTC Phan-xi-cô đã nói: “Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh” (Niềm vui Tin Mừng, số 6). Quả vậy, Chúa Ki-tô chịu đóng đinh sẽ chỉ là sự thất bại đáng nguyền rủa nếu như chỉ kết thúc tại Núi Sọ. Nhưng Ngài đã trỗi dậy và biến đau thương thập giá thành niềm vui phục sinh. Chúng ta có cảm nhận niềm vui phục sinh ấy thấm vào từng sớ thịt mạch máu của ta, và biến ta thành sứ giả loan báo tin mừng bình an không?

TIN TỨC

1.   12 Hồng y Á châu kêu gọi hòa bình cho Myanmar

Các Hồng y viết: “Chúng tôi hiệp nhất với anh em khi anh em hướng dẫn người dân của mình cầu nguyện, cầu xin Chúa cho cuộc xung đột được nhanh chóng giải quyết, để tất cả mọi người có thể nhìn thấy hướng giải quyết, bằng cách lên án bạo lực quân sự đối với dân thường vô tội.”

Các Hồng Y nhắc lại: “Bạo lực không bao giờ là một giải pháp. Nó chỉ làm tăng thêm đau đớn và khổ sở, bạo lực và tàn phá hơn. Chúng tôi chân thành yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Myanmar hiệp nhất với chúng tôi trong lời cầu nguyện vì hòa bình này, trong lời kêu gọi vì hòa bình và trong việc thực hiện những nỗ lực vì hòa bình."

Ngỏ lời với các nhà lãnh đạo của cuộc đảo chính quân sự, các Hồng y viết: “Có quá nhiều tức giận, quá nhiều bạo lực, quá nhiều đổ máu, quá nhiều đau khổ và đau đớn đã gây ra cho một cộng đồng yêu chuộng hòa bình chỉ tìm kiếm sự thống nhất, hòa hợp và cơ hội để tiến bộ trong tự do.” Các Hồng y kêu gọi quân đội Myanmar “hãy bắt đầu đối thoại để tìm ra giải pháp, cách thế để tiến lên phía trước. Hình ảnh một nữ tu quỳ gối trên đường phố Yangon và cầu xin buông vũ khí đã khắc sâu trong tâm trí thế giới.”

Trong thư các Hồng y khẳng định: “Các Hồng y của Châu Á chúng tôi hiệp nhất trong việc đưa ra lời kêu gọi tha thiết đối với tất cả những người có liên quan: quân đội, các chính trị gia, những người biểu tình, tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo và Giáo hội: hòa bình, hòa bình, hòa bình. Hòa bình là có thể. Hòa bình là cần thiết.”

Cuối thư các Hồng y Á châu viết: “Châu Á là lục địa của hòa bình và hy vọng, của những mối quan hệ gia đình thân tình. Chúng ta là một gia đình. Tất cả chúng tôi muốn giúp anh chị em. Nhưng anh chị em phải bắt đầu làm điều đó tại nhà của anh chị em. Hòa bình là có thể!”

Hồng Thủy

2.   Liên Hội đồng Giám mục châu Âu cử hành 50 năm thành lập

Liên Hội đồng Giám mục (LHĐGM) châu Âu được thành lập vào ngày 25.03.1971, có trụ sở tại San Gallen, Thụy Sĩ. Mục đích là nhằm tạo ra sự hiệp thông và chia sẻ giữa các Giám mục châu Âu.

Số thành viên của LHĐGM châu Âu là 39, gồm 33 chủ tịch các Hội đồng Giám mục châu Âu, và thêm Tổng Giám mục Luxemburg, Tổng Giám mục Monaco và Giám mục Công giáo Maronite tại đảo Cipro, Giám mục tại Moldavia, Giám mục giáo phận Mukacevo thuộc Công giáo Đông phương Ruteno ở Ucraina, sau cùng là Giám mục Giám quản Tông tòa Estonia.

Trong sứ điệp gửi tới các Giám mục châu Âu nhân năm thánh này, Đức Hồng y Angelo Bagnasco nhắc lại mục đích mà LHĐGM châu Âu được thành lập: “Thúc đẩy cuộc gặp gỡ giữa các Hội đồng Giám mục, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, cũng như cách thức loan báo mới về Chúa Kitô, chăm sóc mục vụ và tương lai châu Âu”. Ngài còn nêu bật những thách đố đang chờ đợi Giáo hội châu Âu trong tương lai gần, bao gồm “sự tàn phá Kitô không ngừng” cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Ngài đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết “phải quan tâm đến cuộc đối thoại giữa tất cả các tôn giáo như là nền tảng để xây dựng một thế giới huynh đệ, cũng như sự dấn thân khẩn cấp về công trình sáng tạo mà tất cả chúng ta đều là những người bảo vệ”.

Lễ kỷ niệm 50 năm LHĐGM châu Âu sẽ được cử hành tại Hội nghị toàn thể tháng 9 tại Roma với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ngọc Yến

3.   Đức Thánh Cha hỗ trợ người nghèo Iraq 350 ngàn đô la

Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê đã cho biết như trên, trong phần kết của lá thư gửi cho Đức Thánh Cha, bày tỏ lòng biết ơn về chuyến thăm của ngài tới Iraq.

Theo Đức Hồng y, đây chính là một dấu hiệu tình thương cụ thể của Đức Thánh Cha dành cho người dân Iraq. Đức Thượng phụ cũng cho biết, trong tổng số 350 ngàn đô la: 250 ngàn hiện đang được Baghdad quản lý, trong khi 50 ngàn đã được gửi cho Tổng Giáo phận Canđê của Mosul và 50 ngàn khác cho Tổng Giáo phận Công giáo Syria, và Qaraqosh.

Trích từ số tiền trên, trong thời gian qua, Giáo hội Iraq đã phân phát hơn 12 ngàn gói thực phẩm trên khắp đất nước, đặc biệt cho các gia đình đang gặp khó khăn, gồm các gia đình Kitô giáo và Hồi giáo và các tôn giáo khác.

Trong thư gửi cho Đức Thánh Cha, và được phổ biến trên các kênh truyền thông chính thức của Tòa Thượng phụ Công giáo Canđê, Đức Thượng phụ nhắc lại chuyến tông du của Đức Thánh Cha đã chạm đến tâm hồn của tất cả dân Iraq. Đức Thánh Cha đã gieo nhận thức về tầm quan trọng của việc chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng, cư xử với nhau như anh em, để cùng nhau xây dựng một xã hội tự do và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

Đức Hồng y viết: “Câu nói của Đức Thánh Cha ‘Iraq sẽ luôn ở trong trái tim tôi’ đã để lại một dư âm sâu sắc không thể xóa nhòa trong ký ức của chúng con. Đối với chúng con, những người con của Đức Thánh Cha, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã hiện thực hóa một giấc mơ tuyệt vời và đã mang lại cho chúng con sự nâng đỡ mạnh mẽ để ở lại, gặp gỡ những người khác, để hy vọng và xây dựng lòng tin. Chúng con vô cùng biết ơn câu nói của Đức Thánh Cha ‘anh chị em là một Giáo hội sống động và mạnh mẽ’, điều này đã khuyến khích chúng con hy vọng và phấn khởi tiến về phía trước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét