Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 603

 

LỄ CHÚA BA NGÔI

(Mt 28,16-20)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.  Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. 

SUY NIỆM

Thánh Augustinô viết : “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”. Thật vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Dấu thánh giá là dấu chỉ tôn vinh, chúc tụng và nguyện cầu. Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần. Khi đặt tay lên trán chúng ta tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Đưa tay xuống ngực chúng ta chúc tụng Chúa Con tình yêu. Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần, Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc của đời chúng ta. Mỗi lần làm Dấu Thánh chúng ta xin Chúa Ba Ngội ngự đến biến đổi tâm hồn chúng ta nên giống Ngài trong lời nói cũng như việc làm.

Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói trọn lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.

Ước chi mỗi lần làm Dấu Thánh Giá chúng ta ý thức trong việc tôn vinh, chúc tụng và nguyện cầu cũng Chúa Ba Ngôi.

TIN TỨC

1.      Chính thức triệu tập Công đồng toàn quốc Australia

Chúa nhật Lễ Hiện Xuống 23.05.2021 vừa qua, Đức Tổng giám mục Mark Coleridge của giáo phận Brisbane, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Australia đã ký sắc lệnh chính thức triệu tập Công đoàn toàn quốc Australia lần thứ V, sau ba năm chuẩn bị.

 Dự án triệu tập công đồng này được sự phê chuẩn của Đức Thánh cha hồi tháng Ba năm 2018, tiếp đó là việc thông qua qui chế và qui luật điều hành. Tài liệu làm việc của công đồng đã được công bố hồi tháng Hai năm nay, với tựa đề: “Tiếp tục hành trình”. Mới đây chương trình nghị sự đã được thông qua và sẽ được công bố vào đầu tháng Sáu tới đây, và khóa họp đầu tiên sẽ khởi sự ngày 3 tháng Mười tới đây.

Công đồng toàn quốc Australia lần thứ IV đã được tiến hành cách đây 80 năm. Trước đây, công đồng thứ V này dự tính sẽ tiến hành từ tháng Mười năm 2020, rồi tháng Tư năm 2021, nhưng vì đại dịch, nên cả hai thời điểm bị dời lại. Trước tiên, từ ngày 3 đến 10.10 năm nay tại thành phố Adelaide, rồi từ ngày 04 đến 09.07 năm tới, 2022 tại thành phố Sydney. Trong công đồng này, Giáo hội tại Australia sẽ thảo luận về tương lai của Giáo hội, qua một tiến trình lắng nghe cởi mở, đối thoại và bao gồm, trong một thời điểm có nhiều thách đố như hiện nay.

Hồi tháng Ba năm ngoái (2020), Hội đồng Giám mục Australia đã công bố danh tánh hơn 250 đại biểu tham dự, gồm các giám mục, linh mục, giáo dân và phụ nữ….

G. Trần Đức Anh, O.P.

2.      Tòa Thánh chúc mừng lễ Phật Đản 2021

Thông điệp có tựa đề “Các Phật tử và Kitô hữu: Chúng ta cùng thúc đẩy sự quan tâm và liên đới”, được ký bởi Đức Hồng y Miguel Algel Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và Đức ông Tổng Thư ký Kodithuwakku.

Trong thông điệp, Hội đồng Toà Thánh cầu mong trong tình hình đại dịch hiện nay, ngày lễ Phật Đản sẽ đem lại niềm vui, sự thanh thản và hy vọng cho các Phật tử trên toàn thế giới. Nhắc lại lời của Đức Thánh Cha về nhu cầu cấp bách của tình liên đới phổ quát cho phép nhân loại cùng nhau vượt qua các khủng hoảng, Đức Hồng y Chủ tịch và Đức ông Tổng Thư ký viết: “Chúng ta được kêu gọi khám phá và thực hành tình liên đới, điều được chứa đựng trong truyền thống của Công giáo và Phật giáo”.

“Giáo lý Phật giáo về ‘từ bi hỷ xả’ cống hiến cho chúng ta một sứ điệp luôn có giá trị về tình liên đới […]Thông điệp tiếp tục: “Theo giáo lý Phật giáo, các bác sĩ cũng được khuyến khích đừng chậm trễ làm điều lành, tránh làm điều ác. Bởi vì ai chậm làm điều lành, có xu hướng làm điều ác” (Dhammapada, 116).

Sau cùng, Hội đồng Toà Thánh hy vọng “thảm trạng do đại dịch sẽ củng cố tình bạn và liên kết chúng ta hơn trong sự phục vụ gia đình nhân loại, đón nhận “văn hoá đối thoại như con đường, hợp tác chung như quy tắc ứng xử, hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn”. (Thông điệp Fratelli tutti, 285)

Ngọc Yến

3.      Nhà nước Trung Quốc hạn chế thêm tự do tôn giáo trên mạng

Nhà nước Trung Quốc hạn chế thêm tự do tôn giáo trên mạng, bằng cách chặn không cho người sử dụng Internet được vào tài khoản Kitô WeChat cũng như các ứng dụng Kinh thánh.

Tổ chức “Diễn đàn quốc tế quan tâm Kitô” (Platform International Concern) cho biết như trên, đồng thời cũng nói rằng người sử dụng không còn có thể đặt mua sách Kinh thánh qua Internet ở Trung Quốc được nữa.

Các biện pháp trên đây bị cấm, theo chính sách có từ năm 2018 của nhà nước Trung Quốc, vì Kinh thánh bị coi là “trái ngược với các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội”.

Một dấu hiệu khác chứng tỏ sự gia tăng các biện pháp kiểm duyệt cũng có thể thấy trong các tiệm sách của Phong trào Tam Tự của Tin lành, vốn trung thành với đường lối của nhà nước Bắc Kinh: các tiệm này ngày càng bán các sách tuyên truyền ý thức hệ cộng sản.

Tổ chức từ thiện quốc tế “Open Doors”, những cánh cửa mở, xếp Trung Quốc vào số những quốc gia bách hại tôn giáo tệ hại nhất. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần bày tỏ lo âu vì những vi phạm liên tục của nhà nước Trung Quốc đối với tự do tôn giáo.

Đài Chân Lý Á Châu


Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 602


 LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Ga 20, 19-23

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

SUY NIỆM

Từ khởi nguyên, khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí ban cho con người sự sống. Hôm nay, Đức Giêsu Phục Sinh cũng thổi Thần Khí vào các môn đệ. Các ông được lãnh nhận Thánh Thần. Lãnh nhận sự sống của Đức Giêsu.

Trong Chúa Thánh Thần, các môn đệ sẽ tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu: Thông ban sự sống và ơn tha tội. Trong Chúa Thánh Thần, Hội Thánh của Đức Giêsu được hình thành từ hạt nhân là các môn đệ.

Mỗi tín hữu được Chúa Thánh Thần qui tụ, thôi thúc và ban ơn để làm chứng cho Đức Giêsu ngay trong cuộc sống của mình.

 Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta phá vỡ mọi ngăn cách, kỳ thị để mọi người thực sự liên đới, cảm thông và hiệp nhất với nhau. Để mọi người được sống trong hạnh phục.

TIN TỨC

1.         Ít nhất 120 linh mục Ấn Độ chết vì Covid-19 trong tháng qua

Ít nhất 120 linh mục Công giáo Ấn Độ đã chết vì Covid-19 trong tháng qua, bình quân bốn linh mục mỗi ngày, giữa lúc đại dịch đang làm cho 4.000 người thiệt mạng mỗi ngày trên toàn nước Ấn.

 Cha Suresh Matthew, dòng Capuchino, chủ nhiệm tạp chí Công giáo “Indian Currents” đã liệt kê danh tánh, giáo phận và dòng tu của 117 linh mục chết vì Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 10.04 đến 14.05 vừa qua, tại Ấn Độ. Cha nói với hãng tin Công giáo Ucan, hôm 15.05.2021 rằng: “Danh sách đó chưa đầy đủ. Chắc chắn là số người chết cao hơn, vì chúng tôi không có hoàn toàn chi tiết về những linh mục tử vong trong đợt dịch thứ hai này”.

Trong số 117 linh mục có tên trong danh sách, thuộc cả ba nghi lễ: Latinh, Syro Malabar và Syro Malankara, 48 vị thuộc các dòng tu, đứng đầu là dòng Tên với 19 linh mục. Con số linh mục tử vong sẽ tăng lên, khi có thêm thông tin từ 174 giáo phận tại Ấn Độ. Cha Matthew cũng nhận xét rằng: “Dầu sao danh sách sơ khởi này cũng rất đáng báo động, vì tuy đó chỉ là một số trong khoảng 30.000 linh mục tại Ấn, nhưng nếu mỗi ngày có bốn linh mục chết, thì đó là điều rất đáng lo đối với chúng tôi”.

Đức cha Gerald Almeida, Giám mục giáo phận Jabalpur, bang Madhya Pradesh cho biết: “Nhiều linh mục chết vì không được săn sóc y tế kịp thời. Đó thực là một tình trạng kinh khủng. Tôi cảm thấy bị sốc khi biết có nhiều linh mục tử vong như thế, khi mà các linh mục và ơn gọi linh mục rất khan hiếm tại đất nước này. Tôi sợ rằng số người chết rất cao trong số các linh mục và nữ tu và vì thế, tôi muốn nói với họ rằng họ không lẻ loi và chúng tôi đứng về phía họ. Chúng tôi phải làm sao để sức khỏe tinh thần của các linh mục và nữ tu được bảo vệ và cố gắng vượt thắng tai ương này”.

Đức cha Almeida cho biết đã thành lập một trung tâm cách ly đặc biệt dành cho các linh mục và nữ tu để săn sóc họ và để kiến tạo sự tin tưởng nơi họ. Hiện nay có 26 nữ tu và 14 linh mục đang được săn sóc, chữa trị tại trung tâm cách ly này. Một bác sĩ đến khám bệnh cho họ mỗi ngày”.

Từ giữa tháng Tư đến nay, ở Ấn Độ mỗi ngày có hơn 300.000 ca nhiễm Coronavirus. Các nhà thương thiếu giường, thiếu dưỡng khí và các thuốc sinh tử cho các bệnh nhân.

G. Trần Đức Anh, O.P.

2.         ĐTC thay đổi cách thức tiến hành Thượng Hội đồng giám mục lần tới

Ngày 21.05.2021, được Đức Thánh Cha phê chuẩn, Ủy ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố một tài liệu hướng dẫn, nói về việc thay đổi cách thức tiến hành Thượng Hội đồng giám mục lần tới, được dự định vào tháng 10.2023. Theo đó, Thượng Hội đồng giám mục không còn được tiến hành hoàn toàn ở Vatican nhưng có thể ở từng Giáo hội cụ thể ở 5 châu lục, theo một hành trình 3 năm với 3 giai đoạn: giáo phận, châu lục, và hoàn vũ.

 Con đường hiệp hành này là điều đã được Đức Thánh Cha mong muốn kể từ đầu triều đại Giáo hoàng của ngài…

Đây sẽ là lần đầu tiên một Thượng Hội đồng được tổ chức cả bên ngoài Vatican. Hành trình Thượng Hội đồng sẽ được bắt đầu tại Vatican với sự tham dự của Đức Thánh Cha vào các ngày 9 và 10.10 năm nay.

Sau đó, các giáo hội địa phương sẽ bắt đầu hành trình của họ vào Chúa Nhật 17.10, dưới sự chủ tọa của Giám mục giáo phận. Mục đích của giai đoạn này là tham vấn cộng đoàn Dân Chúa. Do đó, Ban Thư ký Thượng Hội đồng sẽ gửi tài liệu chuẩn bị kèm theo bảng câu hỏi và một cẩm nang các đề xuất để thực hiện việc tham vấn trong từng Giáo hội địa phương.

Trước tháng 10 năm nay, mỗi giám mục sẽ bổ nhiệm một người chịu trách nhiệm cấp giáo phận như là điểm tham chiếu và kết nối với Hội đồng giám mục. Và Hội đồng giám mục sẽ bổ nhiệm một người hay một nhóm chịu trách nhiệm liên lạc với Ban Thư ký của Thượng Hội đồng.

Các đóng góp sẽ được gửi đến Hội đồng Giám mục của quốc gia của họ. Các giám mục sẽ nhóm họp trong một thời gian để phân định, và sẽ làm một bản tóm tắt để gửi cho Ủy ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng. Tất cả những điều này được làm trước tháng 4.2022. Khi tài liệu đã được thu thập, Tài liệu Làm việc đầu tiên sẽ được soạn thảo, và sẽ được xuất bản và gửi đến các Giáo hội địa phương vào tháng 9.2022.

Sau đó, từ tháng 9.2022 cho đến tháng 3.2023 sẽ bắt đầu giai đoạn hai – cấp châu lục. Mục đích của nó là để trao đổi về Tài liệu Làm việc. Cuối cùng, một tài liệu cuối cùng sẽ được soạn thảo, sẽ được gửi cho Ủy ban Tổng Thư ký vào tháng 3.2023. Ủy ban này sẽ tiến hành việc soạn thảo một Tài liệu Làm việc thứ hai, được dự kiến xuất bản vào tháng 6.2023.

Con đường hiệp hành sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 10.2023 với việc cử hành Đại hội đồng Giám mục ở Roma, theo các thủ tục được thiết lập trong hiến pháp Episcopalis Communio – Sự Hiệp thông của Giám mục.

Hồng Thủy

PHỤNG VỤ

4g45, ngày 29.05.2021, lễ cưới cho đôi anh chị: Giuse Huỳnh Ngọc Dũng và Maria Phạm Thị Kim Phụng.

 THÔNG BÁO

17g30 chiều, ngày 26.05.2021, Lễ Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng, bổn mạng Giáo họ Matthêu Phượng. Xin OBACE. tham dự thánh lễ, hiệp thông cầu nguyện và chia sẻ niềm vui cùng giáo họ.

 

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 601

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH B

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

Mc 16, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

SUY NIỆM

Lễ Thăng Thiên là bảo chứng cho niềm hy vọng của người Kitô hữu. Chúa Giêsu về trời, “Ngài đã đi trước mở đường dẫn chúng ta vào Nước Trời, khiến chúng ta là những chi thể của Ngài nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Ngài hưởng phúc vinh quang” (Lời nguyện Lễ Thăng Thiên).

Thật thế, “quê hương chúng ta ở trên trời”. (Pl 3,20). Nên chúng ta “hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1).” Cùng đích của đời người không phải là cõi đời này. Mỗi ngày sống là mỗi ngày chúng ta tiến về cùng đích của mình.

TIN TỨC

1.         Giám mục Ấn Độ thứ hai chết vì Covid-19

Giám mục Ấn Độ thứ hai chết vì Covid-19: Đó là Đức cha Basil Bhuriya, Giám mục giáo phận Jabhua, thuộc bang Madhya Pradesh, thọ 65 tuổi.

Đức cha Bhuriya được đưa vào nhà thương thánh Phanxicô ở thành phố Indore để điều trị vì bị nhiễm Covid-19. Tại đây, ngài qua đời hôm 6/5/2021 vì một cơn đau tim. Ngài thuộc dòng Ngôi Lời và được Đức Thánh cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Jabhua cách đây 5 năm, vào ngày 18/7/2015.

 Trước đó, ngày 4/5/2021, Đức cha Antony Anandaryar, nguyên Tổng giám mục giáo phận Pondicheery-Cuddalore, cũng đã qua đời vì Coronavirus.

 G. Trần Đức Anh, O.P.

2.         Kenya tuyên bố địa điểm ĐTC cử hành Thánh lễ hồi năm 2015 là “di tích quốc gia"

Quyết định của Bộ trưởng Thể thao, Văn hóa và Di sản Lịch sử, được đăng trên công báo của Cộng hòa Kenya ngày 30.04 vừa qua, nhấn mạnh rằng nơi này có ý nghĩa lịch sử và giá trị đặc biệt. Trong sắc lệnh, Bộ trưởng xác định: “Toàn bộ tòa nhà và khu liên hợp thể thao liền kề, của Đại học Nairobi cũng như khu vực xung quanh, được tuyên bố là ‘di tích quốc gia’”.

Tòa nhà được gọi là Papal Dias, có ba phòng lớn, đầy đủ tiện nghi, được sử dụng làm phòng thánh cho Đức Giáo hoàng, các Hồng y và giám mục người Kenya, cũng như các giám mục thuộc phái đoàn của Vatican. Một nhà nguyện cũng được thiết kế có một Nhà Tạm, nơi cất giữ Mình Thánh sau Thánh lễ của Đức Giáo hoàng.

Giáo hội Công giáo Kenya đã hoan nghênh quyết định của chính phủ cho phép lưu giữ các hoạt động của Đức Thánh Cha trong chuyến thăm ba ngày tại đất nước của họ. Trong báo cáo của Hiệp hội các thành viên của Hội đồng Giám mục Đông Phi, Đức cha Philip Arnold Anyolo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Kenya cho biết: “Chúng tôi sẽ viết lịch sử chuyến thăm của Đức Giáo hoàng ở đó để mọi người có thể đọc nó và các thế hệ tương lai có thể tìm hiểu thêm về chuyến thăm này của Đức Giáo hoàng”. (Cath.ch 08/05/2021)

Hồng Thủy

3.         Nhiều Kitô hữu rời Hong Kong sang Đài Loan

Năm nay, có khoảng 10.000 người dân Hong Kong di cư sang Đài Loan, trong đó có một số vị lãnh đạo và Kitô hữu, để tránh các cuộc bách hại của nhà nước Trung Quốc.

Tổ chức Quốc tế Quan tâm Kitô (International Christian Concern), gọi tắt là ICC, cho biết nhiều Kitô hữu bị cáo về tội xúi giục khuynh đảo nhà nước, chiếu theo đạo luật đàn áp về an ninh quốc gia.
Trong thông cáo công bố ngày 10/5/2021 vừa qua, Tổ chức Quốc tế Quan tâm Kitô nói rằng số người di tản ồ ạt như thế là một ví dụ điển hình cho thấy chế độ cộng sản tại Trung Quốc tiếp tục bách hại các tôn giáo tại Hoa Lục và mở rộng ra ngoài. Cảnh sát Hong Kong đã chặn các trang mạng của Giáo hội nào vi phạm luật an ninh quốc gia.
Tổ chức ICC than rằng từ khi chính quyền Hong Kong chấp nhận đạo luật về an ninh quốc gia, hồi tháng Sáu năm ngoái theo lời yêu cầu của nhà nước Bắc Kinh, các vị lãnh đạo tôn giáo từ lâu vẫn ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận ở Hong Kong đã chịu nhiều sức ép. Luật này lên án là khuynh đảo và nổi loạn một loạt các hoạt động vốn được coi là hợp pháp trước đó tại Hong Kong. Sự việc này tạo nên sự phản đối trên thế giới và coi đó là một sự vi phạm trắng trợn lời hứa của Trung Quốc, tôn trọng quyền tự trị và tự do của Hong Kong trong khuôn khổ một nước hai chế độ, khi Anh quốc trả lại Hong Kong cho Trung Quốc hồi năm 1997.

4.         Đức Tổng giám mục Menamparampil tố giác ý thức hệ của thủ tướng Ấn Độ

Đức Tổng giám mục Menamparampil, dòng Don Bosco, năm nay 84 tuổi, làm Tổng giám mục giáo phận Guwahati cho đến khi về hưu năm 2012. Thành phố này là thủ phủ bang Assam ở miền đông bắc Ấn Độ. Năm 2009, sau những vụ bách hại các Kitô hữu ở bang Orissa, Đức Thánh cha Biển Đức XVI đã ủy cho Đức Tổng giám mục soạn các bài suy niệm cho buổi đi đàng Thánh giá ở Hý trường Colosseo, tối thứ Sáu Tuần thánh năm đó.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Asia News, truyền đi hôm 10/5 vừa qua, Đức Tổng giám mục Menamparampil nói: “Cách thức chính quyền của thủ tướng Modi đối phó với đại dịch thật là đau buồn. Họ không nghe các chuyên gia. Chương trình chính trị được nhà nước coi trọng hơn việc bảo vệ dân chúng. Guồng máy tuyên truyền của chính phủ quá bận tâm tới việc lèo lái xã hội, trong một thế giới tưởng tượng và tự đề cao mình. Họ phổ biến huyền thoại xưa kia về sự cao cả của Ấn, dựa trên một quá khứ tưởng tượng. Và cũng có những người xu thời chiều theo những tuyên truyền huênh hoang của nhà nước, chiều theo những quyết định chính trị... Nay tất cả những phúc trình chính thức do Ấn Độ soạn ra đều mất uy tín đối với quốc tế, kể cả về những vấn đề như thành tựu kinh tế, những thống kê về sự tăng trưởng, những chỉ số về trợ giúp y tế, những dự án đã thực hiện và những tiên báo về tương lai”

Đức Tổng giám mục Menamparampil cũng cho biết ai phê bình chính quyền Ấn thì bị cáo là nổi loạn, như trường hợp cha Stan Swamy, dòng Tên, 84 tuổi, bị cầm tù từ bốn tháng nay. Cha bênh vực người nghèo, nhưng bị nhà nước buộc vào tội theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông và xúi dân nổi loạn.

Đài Chân Lý Á Châu

 

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 600


CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH B

Ga 15, 9-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".

SUY NIỆM

Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

Theo lẽ tự nhiên, đã làm người ai cũng muốn sống, sống sung túc, sống lâu, sống đẹp; chúng ta làm tất cả để được sống. Nhưng vấn đề là ta sẽ hướng đến sự sống nào ?

Với Chúa Giêsu sống tức là yêu thương, và con đường dẫn đến sự sống chính là băng qua sự chết. Ngài yêu nhân loại nên Ngài bằng lòng chịu chết để con người được sống và sống dồi dào. Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa trao ban mỗi ngày: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em.” Chỉ có “tình yêu mạnh hơn sự chết” của Chúa đến mức đó mới làm cho con người được sống và sống hạnh phúc.

“Ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”.(1Ga 4,7)

TIN TỨC

1.      Cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ được bổ nhiệm làm TTK. Liên hiệp Giáo sĩ truyền giáo

Đức Hồng y Luis Antonio, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc, đã bổ nhiệm cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, dòng Phanxicô Viện tu, làm tân Tổng Thư ký Liên hiệp Giáo sĩ truyền giáo, và đồng thời làm Giám đốc Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo và Giám đốc hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo.

 Liên hiệp giáo sĩ truyền giáo là một trong 4 cơ quan thuộc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, dưới quyền Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Giampiero Dal Toso, đồng Tổng Thư ký của Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc.

 Cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ sẽ thay thế cha Fabrizio Meroni, thuộc Hội Truyền giáo Giáo hoàng Hải ngoại (PIME), đã hết nhiệm kỳ vào ngày 30/11/2020 và được gia hạn đến ngày 31/3/2021. Cha Nhuệ sẽ bắt đầu công việc của mình, với nhiệm kỳ 5 năm, từ ngày 1/5/2021.

 Cha Tôma Nhuệ sinh năm 1970 tại Qui Nhơn, Việt Nam. Cha là thành viên của tỉnh dòng Phanxicô Viện tu Vác-sa-va, Balan. Cha tốt nghiệp tiến sĩ thần học Kinh Thánh tại đại học Giáo hoàng Gregoriano ở Roma vào năm 2006 và sau đó, là giáo sư Kinh Thánh tại các đại học Giáo hoàng Gregorian, Urbaniana. Cha cũng là giáo sư tại phân khoa thần học Seraphicum và là giám đốc phân khoa này từ năm 2016-2021.

 Năm 2015, cha Nhuệ đã sáng lập và làm giám đốc "Viện nghiên cứu Thần học Châu Á của Dòng Phanxicô” (FIATS) thuộc Phân khoa thần học Seraphicum.

 Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm cha Tôma Nhuệ làm thành viên của Ủy ban Khoa học của Tòa thánh về Đánh giá và Thúc đẩy Chất lượng của các Đại học và Phân khoa thuộc Giáo hội trong nhiệm kỳ 2018-2023.

 Cha Tôma Nhuệ là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo khoa học và thông thạo bảy thứ tiếng. (Fides 01/05/2021)

Hồng Thủy

2.      Các giám mục Mexico kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân tai nạn tàu điện ngầm

Tai nạn xảy ra vào lúc gần 10:30 tối thứ Hai 03.05.2021 khi cầu vượt tàu điện của Tuyến số 12 bị sập, khiến các toa tàu rơi xuống đường xe chạy bên dưới. Vụ tai nạn xảy ra gần ga tàu điện “Olivos” ở quận Tláhuac ở đông nam Mexico City.

Đức cha Alfonso Miranda Guardiola Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Mexico và là giám mục phụ tá của Monterrey, nói với hãng tin ACI Prensa rằng các giám mục đã nhận được tin này và ngay lập tức chia buồn cùng với Đức Hồng y Carlos Aguiar, tổng giám mục giáo phận Mexico.

Trên Twitter, tổng giáo phận Mexico cầu nguyện cho các nạn nhân vụ sập cầu vượt đường sắt và mong sẽ không có thêm tổn thất.

Trong một cuộc họp báo ngày 04.05, tổng thống Mexico, Andrés Manuel López Obrador, đã kêu gọi “một cuộc điều tra kỹ lưỡng và công bằng, tìm biết sự thật về những gì đã gây ra vụ tai nạn tàu điện.”

Đức cha Andrés Vargas Peña của Giáo phận Xochimilco, Tláhuac và Milpa Alta - nằm trong khu vực xảy ra vụ tai nạn, cho biết ngài bị sốc về vụ tai nạn tàu điện. Ngài nói: “Tôi dâng những lời cầu nguyện khẩn thiết nhất cho những người đã bị tai nạn này, cho những người bị thương đã được đưa đến các bệnh viện khác nhau, xin Chúa thương xót họ và ban cho họ ân sủng để phục hồi nhanh chóng.” Ngài cũng xin Chúa Cha thương xót cho các linh hồn được an nghỉ đời đời.

Đức cha cũng khuyến khích các tín hữu trong giáo phận của mình dâng những ý này trong lời cầu nguyện... Ngài cũng đang yêu cầu Caritas của Tổng giáo phận Mexico và giáo phận Iztapalapa hợp lực để giúp đỡ những người cần giúp đỡ.

Hồng Thủy

3.      Lý do vì sao chưa công bố ngày phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld

 Ngày 26 tháng 4, Đức Phanxicô loan báo sẽ mở một hội nghị hồng y công khai. Vì thế các hồng y cư trú tại Rome đã được mời họp hội nghị ngày thứ hai 3 tháng 5 để phê chuẩn bảy lễ phong thánh, trong đó có lễ phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld và César de Bus của Pháp. Trong buổi hội nghị này, ngày phong thánh sẽ được chỉ định.

 Tuy nhiên, không phải như vậy. Mở đầu, Đức Phanxicô chủ trì giờ kinh phụng vụ, giờ Kinh Ba, sau đó là họp Hội nghị. Trong buổi lễ bằng tiếng la-tinh có sự hiện diện của hồng y Semeraro, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, ngài chính thức xác nhận việc phong thánh cho bảy chân phước, nhưng chưa xác định ngày, ngài cho biết ngày giờ sẽ được quyết định sau. Đây là lần đầu tiên một hội nghị hồng y đã xảy ra như vậy.

Linh mục Bernard Ardura giải thích: “Việc này không bất ngờ, vì phong thánh không phải cho các thánh, nhưng cho chúng ta. Đó là một sự kiện lớn lao mang tầm mức giáo hội, vì thế phải có sự hiện diện của dân Chúa. Nếu không có giáo dân thì sự kiện mất đi ý nghĩa.” […]

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

PHỤNG VỤ

Ngày 14.05, Thứ 6, lễ Thánh Matthia – Tông Đồ, lễ kính.

THÔNG BÁO

1/ Tổng số tiền quyên góp cho Ơn Thiên Triệu là 47 triệu đồng.

2/ Giáo xứ xin cám ơn: Một ân nhân (Gh.Giuse Thị) ủng hộ người nghèo 1 triệu đồng; Gia đình bé Khả Ngân (Gh. Mt Phượng) ủng hộ xứ 200 đô Úc.

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 599

 

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH B

Ga 15, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

"Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".

SUY NIỆM

Trong Cựu Ước, hình ảnh cây nho tượng trưng cho dân Israel. Dân này được Thiên Chúa vun trồng, che chở bao bọc như chủ vườn chăm sóc cây nho. Nhưng dân này đã làm Thiên Chúa thất vọng vì họ không trổ sinh hoa trái tốt lành.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chính là hình ảnh cây nho thật mà Chúa Cha ưng ý. Cây nho trổ sinh nhiều hoa trái cho Thiên Chúa. Đức Giêsu là cây, các môn đệ là cành. Cành nho chỉ sinh nhiều hoa trái khi gắn liền với cây và được cắt tỉa. Môn đệ Đức Giêsu cũng chỉ trưởng thành trong ân sủng khi được kết hiệp với Ngài và được thanh luyện trong giáo huấn của Ngài.

Đời sống thiêng liêng của chúng ta cũng lớn lên và sinh hoa trái khi chúng ta chấp nhận loại bỏ, cắt tỉa những gai góc, những chướng ngại trong chúng ta và biết gắn kết với Đức Giêsu.

TIN TỨC

1.   ĐTC Phanxicô bày tỏ ý muốn viếng thăm Triều Tiên

Đức cha Lazzaro You rất quen thuộc với Đức Thánh Cha. Ngài đã tháp tùng và tiếp đón Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Hàn Quốc vào năm 2014.

Hôm 17.04 Đức cha Lazzaro You đã yết kiến Đức Thánh Cha tại Vatican. Trong cuộc gặp gỡ này Đức Thánh Cha nói rằng ngài sẽ thăm Triều Tiên nếu các công tác chuẩn bị liên quan được hoàn tất.

Trước đây Đức Thánh Cha đã bày tỏ mong muốn thăm Triều Tiên. Năm 2018, nhân chuyến thăm Vatican, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chuyển lời mời bằng miệng từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Vatican. Vào thời điểm đó, đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington đang diễn ra sôi nổi và nhiều người đang tin tưởng một sự phát triển tích cực. Lần đó Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sẵn sàng đến Triều Tiên nếu nhận được lời mời chính thức.

Nhưng từ đó đến nay, các cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên không được tiếp tục, và cả đối thoại với Hàn Quốc cũng bị ngưng lại.

Trong cuộc gặp gỡ Đức cha Lazzaro You, Đức Thánh Cha đã cảm ơn giáo phận Daejon đã quyên góp 460.000 đô la Mỹ cho Tòa Thánh để cộng tác vào chương trình chia sẻ vắc-xin do Sở Từ Thiện của Đức Thánh Cha phát động. (Asia News 26/04/2021)

Hồng Thủy

2.   Danh sách 30 đền thánh đảm trách giờ cầu nguyện
cho đại dịch chấm dứt

Vatican News (29.4.2021) - Hôm thứ Ba 27/4, Tòa Thánh công bố danh sách 30 đền thánh sẽ đảm trách giờ cầu nguyện với kinh Mân Côi theo sáng kiến của Đức Thánh Cha: “Marathon cầu nguyện”, để xin chấm dứt đại dịch. Ở châu Á có các đền thánh của Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Liban.

Đức Thánh Cha sẽ khai mạc và kết thúc tháng cầu nguyện đặc biệt này. Vào ngày 01/5, trước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, một bức bích họa được tôn kính từ đầu thế kỷ VII, được đặt ở phía trên bàn thờ Thánh Leone, trong nhà nguyện Gregoriana, ở Vatican. Trong dịp này, Đức Thánh Cha sẽ làm phép các xâu chuỗi được sử dụng cho sự kiện này. Sau đó, các xâu chuỗi này sẽ được gửi đến 30 đền thánh có liên hệ đến sáng kiến cầu nguyện. Vào ngày 31/5, Đức Thánh Cha sẽ kết thúc buổi cầu nguyện tại vườn Vatican.

Danh sách 30 đền thánh đảm trách giờ kinh nguyện gồm: Đền thánh Lộ Đức ở Pháp, Fatima ở Bồ Đào Nha, Mễ Du ở Bosnia, Guadalupe ở Mexico. Ở Ý, có đền thánh Loreto và Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii. Ở Hoa Kỳ có Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ở châu Á có các đền thánh ở Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Liban. Ngoài ra còn có các đền thánh khác của các quốc gia: Anh, Nigeria, Ba Lan, Brazil, Argentina, Ailen, Bỉ, Algeria, Úc, Cuba, Tây Ban Nha, Canada, Malta, Ucraina, Đức.

Trong một thông báo, Hội đồng Tòa thánh tái Truyền giảng Tin Mừng được Đức Thánh Cha giao phó tổ chức sự kiện, nêu rõ: “mỗi ngày trong tháng Năm sẽ có ý chỉ cầu nguyện cho mọi thành phần dân chúng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch”.

Mỗi đền thánh trên thế giới được mời gọi cầu nguyện theo cách thức, ngôn ngữ, truyền thống địa phương, để khẩn xin sự phục hồi đời sống xã hội, công việc và nhiều hoạt động của con người bị đình chỉ do đại dịch. Vì vậy, các đền thánh được mời gọi thúc đẩy sự tham gia đông đảo của các tín hữu, để tất cả mọi người có thể dành thời gian cho việc cầu nguyện. Mọi người được mời gọi cầu nguyện với kinh Mân Côi ở khắp mọi nơi: ở nhà, trong xe, trên đường phố.

Một tập sách giải thích sáng kiến cầu nguyện bằng tiếng Ý, Anh và Tây Ban Nha, có thể tải từ trang web của Hội đồng Tòa thánh tái Truyền giảng Tin Mừng.

Ngọc Yến

                                                                      PHỤNG VỤ

Vào lúc 17g30, Thứ 4 (05.05.2021) lễ cưới cho đôi anh chị: Phêrô Nguyễn Hoài Chung + Catarina Nguyễn Bảo Trân.

THÔNG BÁO

1/ Chiều thứ Hai (03.05), vào lúc 5g30: Lễ Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, Bổn mạng Gh. Giuse Lựu. Kính mời OBACE. tham dự thánh lễ, cùng hiệp thông và cầu nguyện cho Giáo Họ.

2/ Sáng thứ Năm (06.05), vào lúc 5g00: Đức Cha Giuse và quý cha sẽ về dâng Lễ Giỗ, cầu nguyện cho Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi. Kính mời OBACE. tham dự thánh lễ, hiệp thông và cầu nguyện cho Đức Cha Cố Nicolas.

3/ Sáng thứ Sáu (07.05), vào lúc 7g00: trao MTC cho người già và bệnh nhân.

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 598


                                         CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH B

Ga 10, 11-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".

SUY NIỆM

 “Ta là Mục Tử tốt lành” đây là tước hiệu mà nhiều lần Chúa Giêsu đã tự giới thiệu về mình. Hình ảnh “Mục tử nhân lành” còn là lời khẳng định về tình yêu thương của người mục tử đối với đoàn chiên.

Vẻ đẹp người mục tử được nhắc lại nhiều lần trong Tin Mừng với những cụm từ: “Ta hiến mạng sống vì đoàn chiên; Ta biết chiên  ta; Ta có quyền thí mạng sống và có quyền lấy lại…”. Những động từ ấy làm toát lên ý nghĩa: người mục tử làm tất cả vì tự nguyện và vì yêu mến đoàn chiên, vì trách nhiệm được trao phó.

Chỉ có Đức Giêsu là Mục Tử đích thực, vì Ngài đã dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên được an toàn, được tự do, và được sống.

Ngày lễ “Chúa Chiên Lành – Cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu linh mục và tu sĩ” mời gọi chúng ta cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử nhân lành, đồng thời cũng nhắc nhở mỗi người tín hữu trở nên những chiên ngoan trong đoàn chiên Giáo Hội.

TIN TỨC

1.      Sứ điệp video của ĐTC nhân Ngày Trái đất

Trong sứ điệp video nhân Ngày Trái đất 22.04, sau khi mời gọi mọi người đừng bao giờ quên “thiên nhiên đáng được bảo vệ, vì thực tế, các tác động của con người với sự đa dạng sinh học của Thiên Chúa phải được thực hiện với sự chú ý và tôn trọng”, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, từ đại dịch chúng ta học được rất nhiều về điều này. Thiên nhiên có liên hệ đến tất cả mọi người. Thiên nhiên dạy chúng ta phải tạo ra một hành tinh công bằng, bình đẳng, an toàn với môi trường.

Đức Thánh Cha nói: “Đại dịch đã dạy cho chúng ta sự phụ thuộc lẫn nhau, sự chia sẻ hành tinh này. Các thảm họa toàn cầu, Covid và khí hậu chỉ ra rằng chúng ta không còn nhiều thời gian để chờ đợi. Thời gian đang thúc bách chúng ta, và như đại dịch đã cho thấy, chúng ta có các phương tiện để đối phó với tổn thất. Đã đến lúc phải hành động, chúng ta đã ở mức giới hạn”.

Thiên Chúa luôn tha thứ, chúng ta thỉnh thoảng tha thứ, thiên nhiên không bao giờ tha thứ”, Đức Thánh Cha trích dẫn một châm ngôn cổ của người Tây Ban Nha và nhấn mạnh: “Khi sự tàn phá thiên nhiên bùng nổ thì rất khó ngăn chặn. Nhưng chúng ta vẫn còn thời gian. Và chúng ta sẽ có sức mạnh hơn khi chúng ta cùng nhau làm việc. Nghịch cảnh mà chúng ta đang trải qua với đại dịch, và chúng ta đã thấy trong biến đổi khí hậu phải thúc đẩy chúng ta đổi mới, phát minh, để tìm kiếm những con đường mới. Từ một cuộc khủng hoảng, người ta không bước ra giống nhau, chúng ta bước ra hoặc tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Đây là một thách đố, và nếu chúng ta không bước ra tốt hơn chúng ta sẽ đi đến một con đường tự hủy”.

Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp với lời mời gọi đến tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới hãy can đảm hành động, làm việc với công bằng và luôn nói sự thật với dân chúng, để mọi người biết cách tự bảo vệ mình khỏi sự phá hủy của hành tinh, cũng như biết cách bảo vệ hành tinh khỏi sự phá hủy của chính con người.

Ngọc Yến

2.      UNESCO vinh danh Copernic, Mendel và thánh Tê-rê-sa Hài đồng

Một linh mục, một giám mục, một tu sĩ Augustino và một đan sĩ dòng kín Cát Minh. Họ là những “thiên tài” Ki-tô giáo.

Danh sách 60 nhân vật được UNESCO chọn theo một chương trình nhằm vinh danh những người thuộc mọi quốc gia, là đại diện xuất sắc trong các lĩnh vực hòa bình, giáo dục, khoa học, khoa học xã hội và truyền thông. Danh sách này sẽ được UNESCO phê duyệt vào tháng 11.

Năm 2022 kỷ niệm 200 năm ngày sinh của nhà di truyền học Mendel. Trong khi đó, năm 2023 kỷ niệm 150 năm ngày sinh của thánh Tê-rê-sa thành Lisieux, 550 ngày sinh của nhà thiên văn Copernic và 850 năm ngày qua đời của thánh Nerses. Tên của các vị, cũng như của các nhân vật khác, được đề cử bởi quốc gia sinh quán của họ; đó là Ba-lan, Cộng hòa Séc, Armenia và Pháp.

Đức Tổng Giám mục Francesco Follo, quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại tổ chức UNESCO, nói với Vatican News khi bình luận về quyết định của UNESCO: “Thiên tài của Kitô giáo là điều làm sản sinh ra những nhân vật có khả năng làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào.” … Ngài nhắc lại rằng, “Ki-tô giáo đã tạo nên hình hài cho châu Âu” và hơn thế nữa “Thánh Gioan Phaolô II đã nói rằng một đức tin không trở thành văn hóa thì không phải là một đức tin trưởng thành”.

Hồng Thủy

3.      Thánh lễ Tạ ơn và cầu nguyện cho sứ vụ mới của Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn – Viện phó Học Viện Công Giáo

Trước Thánh lễ, ĐGM Viện Trưởng đã thông báo ý chỉ trong Thánh lễ là chúc mừng và cầu nguyện cho sứ vụ mới của ĐGM Viện Phó. Chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ, Đức Cha Louis đề cập đến những cơn đói của nhân loại qua mọi thời đại như đói cơm bánh, đói tri thức và đói lý tưởng sống. Chúa Giêsu chính là lương thực có thể giải tỏa cơn đói của con người. Nhờ lương thực này con người có thể sống, sống dồi dào và sống hạnh phúc. Đức cha Louis xin cộng đoàn dân Chúa cầu nguyện cho Ngài được sống gắn kết với lương thực thường tồn để Ngài đủ sức thi hành Ý Chúa và cộng tác để kế hoạch của Chúa được hoàn tất.

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ., Q. Khoa Trưởng, thay mặt HVCG bày tỏ tâm tình quý mến dành cho ĐC Viện Phó và cầu chúc Đức cha lên đường như Đức Maria, luôn vững tin rằng Chúa có thể làm được mọi sự.

Theo thông báo của Tòa Tổng Giám mục Tp. Hồ Chí Minh, vào lúc 18g00 ngày 19.03.2021, Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam đã loan tin Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục hiệu tòa Catrum và đang là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Tp. HCM, được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh do “trống tòa và theo Tòa Thánh định đặt” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis), sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.

PHỤNG VỤ

Vào lúc 17g30, Thứ 5 (29.04.2021) lễ cưới cho đôi anh chị: Vincentê Nguyễn Hoàng Thanh Tiến  + Maria Nguyễn Thị Thanh Sinh.

THÔNG BÁO

1/ Sáng thứ Bảy (01.05), vào lúc 7g00: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi BĐH. giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

2/ Sau thánh lễ tối Thứ 7 (01.05.2021), sẽ có cuộc rước kiệu khai mạc Tháng Hoa, xin OBACE. tham dự buổi rước kiệu.