CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN
LỜI CHÚA: Mc 10,
35-45
Khi ấy,
Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy
Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người
hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con
một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”.
Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén
Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp:
“Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa
Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì
không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với
Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng
những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ,
và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế.
Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai
muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì
chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống
mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng
hôm nay (Mc 10,35-45) đưa chúng ta đến cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và hai
anh em Giacôbê, Gioan, khi họ xin được ngồi bên phải và bên trái Chúa trong
vinh quang. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khéo léo hướng họ đến ý nghĩa thực sự của
quyền lực và danh dự: không phải là ngồi trên ngai vinh quang, mà là phục vụ và
hy sinh cho người khác.
Sứ vụ
truyền giáo – Phục vụ trong yêu thương
Chúa Giêsu
nhấn mạnh rằng: "Ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi
người" (Mc 10,44). Đây chính là bài học quan trọng cho chúng ta, nhất là
trong bối cảnh truyền giáo. Truyền giáo không phải là một cuộc chinh phục bằng
quyền lực, mà là một hành trình của yêu thương và phục vụ. Chúng ta không thể
rao giảng Tin Mừng bằng lời nói suông hay quyền uy, nhưng bằng một đời sống hy
sinh, quan tâm và phục vụ người khác như chính Chúa Giêsu đã làm. Chính Ngài là
mẫu gương của việc "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người"
(Mc 10,45).
Truyền
giáo là sẻ chia niềm tin
Chúa Nhật hôm
nay, chúng ta được mời gọi suy nghĩ về sứ vụ truyền giáo trong cuộc sống của
mỗi người. Truyền giáo không chỉ là trách nhiệm của các linh mục, tu sĩ hay
những người đi đến những vùng đất xa xôi, mà là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu.
Mỗi cử chỉ yêu thương, mỗi hành động hy sinh, mỗi lời nói khích lệ đều là một
cách thức để rao giảng Tin Mừng. Khi chúng ta sống thật với niềm tin của mình,
người khác sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa qua chúng ta.
Lời cầu
nguyện cho việc truyền giáo
Chúa Nhật
Truyền Giáo cũng là dịp để chúng ta cầu nguyện cho những người đang dấn thân
trên con đường truyền giáo, đặc biệt là những anh chị em đang làm việc ở những
vùng đất xa xôi, nơi mà Tin Mừng chưa được rao giảng, luôn sẵn sàng đối mặt với
thử thách để đưa ánh sáng của Chúa đến với những người chưa biết Ngài.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng nhiệt thành trong sứ vụ
truyền giáo. Xin cho chúng con biết sống tinh thần phục vụ và yêu thương như
Chúa đã dạy. Xin nâng đỡ và bảo vệ những nhà truyền giáo đang thi hành sứ vụ
trên khắp thế giới, để họ luôn vững vàng trong đức tin và đầy ơn thánh. Chúng
con cũng cầu nguyện cho chính mình, để mỗi ngày chúng con biết sống như những
chứng nhân của Chúa giữa đời, để mọi người nhận ra tình yêu và sự hiện diện của
Chúa qua cuộc sống của chúng con. Amen.
TIN TỨC
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ KHÍCH LỆ CÁC TRẺ EM THAM GIA
CHIẾN DỊCH ĐỌC KINH MÂN CÔI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Thứ Sáu, ngày 18 tháng Mười này, do
sáng kiến của Tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, từ năm 2005, hàng
triệu trẻ em trên thế giới, sẽ đọc kinh Mân côi.
Trong buổi đọc kinh Truyền tin,
trưa Chúa nhật, ngày 13 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha nói: “Thứ Sáu tới
đây, ngày 18 tháng Mười, tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” cổ võ sáng
kiến “Một triệu trẻ em đọc kinh Mân côi cầu nguyện cho hòa bình thế giới”. Cám
ơn tất cả các trẻ em nam nữ tham gia! Chúng ta cùng nhau hiệp nguyện với các em
và phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ - ngày hôm nay 13 tháng Mười, là kỷ
niệm lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ ở Fatima, để cầu cho Ucraina, Myanmar,
Sudan và các dân tộc khác đang chịu đau khổ vì chiến tranh và mọi hình thức bạo
lực và lầm than”.
Mục đích chính của sáng kiến này là
để chứng tỏ rằng kinh nguyện tín thác của các trẻ em lên thẳng đến tâm hồn của
Thiên Chúa, như một mũi tên và vì thế có năng lực mạnh mẽ.
Sáng kiến này nảy sinh hồi năm
2005, ở thủ đô Venezuela. Trong khi một số trẻ em cầu nguyện trước một khám nhỏ
có tượng ảnh Đức Mẹ, dọc theo đường lộ, nhiều phụ nữ hiện diện cảm thấy sự hiện
diện của Đức Mẹ một cách mạnh mẽ.
Tháng Mười, theo truyền thống là
tháng Mân côi và ngày 18 tháng Mười là lễ kính thánh Luca thánh cử. Thánh nhân
đã truyền lại lịch sử thơ ấu của Chúa Giêsu, và theo truyền thống, thánh Luca
đặc biệt gần gũi với Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, vì thế ngày 18 tháng Mười là một
ngày đặc biệt ý nghĩa.
Do vậy, việc đọc kinh Mân côi của
các trẻ em đặc biệt hiệu năng cho hòa bình và sự hiệp nhất trong các gia đình,
trong đất nước của các em và trên toàn thế giới. “Khi một triệu trẻ em cầu
nguyện với kinh Mân côi, thế giới sẽ thay đổi”, như lời cha thánh Piô, vị linh
mục mang năm dấu thánh.
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRỞ THÀNH VỊ GIÁO HOÀNG CAO
NIÊN NHẤT CAI QUẢN GIÁO HỘI
Đức Thánh cha Phanxicô sinh ngày 17
tháng Mười Hai năm 1936, và ngày 17 tháng Mười, ngài tròn 32.082 ngày từ khi
sinh ra. Vị Giáo hoàng đứng thứ I về phương diện này là Đức Lêô XIII, tục danh
là Vincenzo Gioacchino Pecci, qua đời ngày 20 tháng Bảy năm 1903, thọ 93 tuổi,
tức là 34.108 ngày. Để vượt vị Giáo hoàng tiền nhiệm này, Đức Thánh cha đương
kim phải tiếp tục cai quản Giáo hội hơn 5 năm rưỡi nữa tức là cho đến ngày 07
tháng Năm năm 2030.
Đứng thứ ba sau Đức Thánh cha
Phanxicô là Đức Giáo hoàng Clemente XII, tục danh là Lorenzo Corsini, sinh ngày
07 tháng Tư năm 1652, và thọ 87 tuổi, qua đời năm 1740, tức là ngài sống 32.081
ngày.
Cũng nên nói rằng vị trẻ nhất trong
lịch sử Giáo hội khi làm Giáo hoàng là Gioan XII, hay là Octaviano miền
Tusculum, Hoàng tử của Vua Alberic II. Nhà vua đích thân bổ nhiệm con của mình
làm Giáo hoàng. Ngày 16 tháng Mười Hai năm 955, khi bắt đầu sứ vụ, Đức Gioan
XII được 18 tuổi và cai trị Giáo hội trong gần chín năm, cho đến ngày 14 tháng
Năm năm 964, lúc mới được khoảng 26-27 tuổi.
Vị cao niên nhất khi được bầu làm
Giáo hoàng là Agathon, người miền Sicilia, gốc Hy Lạp, được bầu lên hồi tháng
Sáu năm 678, khi đã hơn 100 tuổi, theo một số nguồn sử liệu và cai quản Giáo
hội trong hai năm bảy tháng, cho đến ngày 10 tháng Giêng năm 681.
VUI
VỚI NGƯỜI VUI
Chị
Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Bích (Huynh trưởng Giáo xứ) và anh Phêrô Nguyễn Minh
Anh, đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào thứ Năm ngày 17.10.2024. Giáo
xứ xin chia vui và cầu chúc cho đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên
Chúa.
THÔNG BÁO
1. Toà Giám mục có gửi đến Giáo xứ chúng ta một số quyển
“Kỷ yếu Giáo phận”. Quyển sách này không chỉ là tài liệu lịch sử mà còn là cầu
nối giữa các thế hệ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành trình phát triển của
Giáo phận. Hãy cùng nhau trân trọng và lưu giữ những trang sử hào hùng này. Số
lượng còn rất nhiều, liên hệ Thầy xứ để mua với giá 150.000 đồng/quyển.
2. Vào lúc 17h45, chiều thứ Năm, ngày 24/10/2023 lễ kính
Thánh Giuse Lê Đăng Thị là bổn mạng Giáo họ Giuse Thị. Kính mời cộng đoàn tham
dự thánh lễ để thêm lời cầu nguyện cho Giáo họ.
3. Vào Sáng Thứ Bảy, ngày 26/10/2024, sẽ trao Mình Thánh
Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với
ban điều hành Giáo họ của mình, đồng thời chuẩn bị nơi xứng đáng để người thân
lãnh nhận Bí tích.
4. Sau lễ chiều thứ Bảy, ngày 26/10/2024, sẽ bế mạc tháng Mân Côi, mời cộng đoàn tham dự thánh lễ và tham gia giờ kiệu kính Đức Mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét