CHÚA NHẬT V MÙA CHAY A
Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45
Khi ấy, hai chị em của
Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”.
Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm
sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”. Chúa Giêsu
thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn
lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.
Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy
Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón
Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có
mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin
gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con
sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em
con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin
Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao
giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là
Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.
Người xúc động và hỏi: “Ðã
an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ.
Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ
trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho
người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang
nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị
người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại
nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của
Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và
nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con.
Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai
Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra,
chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy
cởi ra cho anh ấy đi”.
Một số người Do-thái đến
thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào
Người.
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu
làm phép lạ cho ông Lazarô chết 4 ngày được sống lại. Qua phép lạ này, Chúa báo
trước sự phục sinh của Ngài sau này, đồng thời hé mở cho chúng ta thấy viễn
tượng sống lại trong ngày sau hết như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính
“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.”
Thật vậy, con người có hai sự sống: sự sống
thể xác và sự sống linh hồn. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô gọi là sự sống phần
xác và sự sống theo Thần Khí. Cũng vậy, con người có hai cái chết: chết về phần
xác và chết về phần linh hồn.
Đối với phần xác: Có ngày khai sinh, có ngày
khai tử. Không ai sống mãi ở trên cõi đời này. Người trẻ cũng chết. Người già
cũng chết. Người giàu cũng chết. Người nghèo cũng chết. Người có quyền cao chức
trọng cũng chết. Người thường dân cũng chết. Ladarô trước khi được Đức Giêsu
cho sống lại cũng đã chết 4 ngày và chắc chắn sau đó ông cũng phải chết. Đức
Giêsu vì mang bản tính con người cho nên Ngài cũng chết. Nhưng đức tin Kitô giáo
dạy chúng ta “xác loài người ngày sau sẽ sống lại.”
Ngoài phần xác, con người còn có phần linh
hồn. Linh hồn nhận được sự sống của Thiên Chúa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.
Linh hồn được nuôi dưỡng nhờ Bí tích Thêm sức, Giao Hòa, Thánh Thể, Xức dầu… Sự
sống linh hồn sẽ được kéo dài vĩnh viễn bên Chúa khi con người chết trong ơn
nghĩa Chúa. Chúng ta gọi là chết lành. Nhưng sự sống linh hồn cũng có thể bị
chết do tội lỗi. Khi con người cố tình phạm tội trọng thì coi như linh hồn đã
chết. Nếu tình trạng đó kéo dài sau khi chết cả phần xác thì sẽ lâm vào tình
trạng chết đời đời. Chúng ta gọi là chết dữ.
Qua phép lạ này giúp chúng ta xác tín vào niềm tin của chúng ta cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là niềm tin vào sự sống đời đời. Xin
cho mỗi người chúng con không chỉ tuyên xưng niềm tin mà còn thể hiện niềm tin
đó trong cuộc sống để ngày sau chúng con được sống mãi với Chúa trên Thiên
Đàng.
BẢN TIN
1.
Đại
diện Tòa Thánh tố giác các vụ bách hại Kitô hữu
Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ,
Đức Tổng giám mục Fortunatus Nwachukwu tố giác rằng “trong những năm gần đây có
sự gia tăng bạo lực và các biện pháp đàn áp. Các tín hữu thường không được
quyền biểu lộ và thực hành tín ngưỡng của họ, khi điều này không đe dọa an ninh
công cộng hoặc vi phạm các quyền của người khác”.
Đức Tổng giám mục Nwachukwu người Nigeria bày tỏ lập
trường trên đây, hôm 21 tháng Ba vừa qua, tại Khóa họp thứ 52 của Hội đồng nhân
quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève. Ngài mới được Đức Thánh cha chỉ định làm Tổng
thư ký Bộ Loan báo Tin mừng và sẽ về Vatican nhận nhiệm sở trong thời gian tới
đây.
Trong bài tham luận, Đức Tổng giám mục cũng nói rằng:
“Ngày nay, cứ bảy người dân thì có một tín hữu Kitô bị bách hại”. Ngài trưng
dẫn lời Đức Thánh cha Phanxicô: “Hòa bình cũng đòi phải nhìn nhận phổ quát
quyền tự do tôn giáo. Thật là điều đáng lo âu vì có những người bị bách hại chỉ
vì họ công khai tuyên xưng niềm tin của họ, và tại nhiều nước tự do tôn giáo bị
giới hạn. Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong những hoàn cảnh như
thế”.
Đức Tổng giám mục Nwachukwu tố giác sự gia tăng các biện
pháp đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số từ phía một số chính quyền quốc gia.
Ngoài ra, có những vụ xúc phạm và phá hoại các nơi thờ phượng, các địa điểm tôn
giáo, cũng như các cuộc tấn công các vị lãnh đạo tôn giáo. Những vụ đó ngày
càng trở nên thường xuyên”.
Theo vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Genève,
một điều gây lo âu không kém, đó là “tại một nước, dưới chiêu bài bao dung và
bao gồm mọi người, sự kỳ thị được thực hiện một cách tinh vi và xảo quyệt hơn.
Ngày càng có những quốc gia áp đặt những hình thức kiểm duyệt khác nhau, thu
hẹp khả thể biểu lộ xác tín của tín hữu, hoặc công khai hoặc về mặt chính trị,
viện cớ là để ngăn chặn việc làm tổn thương sự nhạy cảm của người khác”. Làm
như thế là “đánh mất những cơ hội đối thoại lành mạnh và cả những lời phát biểu
công khai. Khi không gian ấy bị thu hẹp, thì cũng giảm bớt quyền căn bản về tự
do tôn giáo của chúng ta, kể cả tự do tư tưởng và tự do lương tâm, vốn là một
tiền đề không thể thiếu được để đạt tới hòa bình và xây dựng một xã hội công
bằng”.
Vatican News 21-3-2023
2.
Tân Chủ tịch Ủy ban Giám mục
Liên hiệp Âu châu
Ủy ban COMECE đang nhóm khóa họp mùa xuân tại
Roma, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng Ba năm 2023, và trong ngày đầu tiên các tham
dự viên đã bầu vị Chủ tịch mới là Đức cha Mariano Crociata, Giám mục Giáo phận
Latina ở Ý.
Đức cha Crociata
năm nay 70 tuổi. Ngài kế nhiệm Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Dòng Tên, Tổng
giám mục Giáo phận Luxemburg, vừa mãn nhiệm kỳ 5 năm. Đức cha đã từng là đại
biểu trong 5 năm qua của Hội đồng Giám mục Ý tại COMECE và đã từng làm Phó Chủ
tịch ủy ban này. Trước đó, Đức cha là Khoa trưởng Thần học viện tại thành phố
Palermo, trên đảo Sicilia, trước khi được Đức Thánh cha Biển Đức XVI bổ nhiệm
làm Giám mục giáo phận Noto, năm 2007. Đức cha đã làm Tổng thư ký Hội đồng Giám
mục Ý từ năm 2008 đến 2013, là năm ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận
Latina, thuộc vùng Lazio.
Hôm 22 tháng Ba
vừa qua, Ủy ban đã bầu bốn vị Phó Chủ tịch mới cho bốn miền địa lý của Liên
hiệp Âu châu, cho đến năm 2028: gồm một vị người Pháp, một vị Bồ Đào Nha, một
vị người Lituani, và một vị cho vùng Bắc Âu.
Tuyên bố sau khi
được bầu chọn, Đức cha Crociata nói rằng: “Đây là thời điểm quan trọng đối với
Âu châu và Giáo hội. HIệp nhất và liên đới là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Chúng phải hướng chúng ta qua nhiều biến chuyển mà xã hội chúng ta đang phải
đương đầu.
“Tôi đặc biệt
nói đến sự cần thiết phải có một sự phục vụ đúng đắn và lâu bền, sau những hậu
quả của đại dịch Covid-19, làm sao để không ai bị thụt lùi đằng sau, cũng như
canh tân ơn gọi của Âu châu là trở thành một nguồn phát triển và một lời hứa
hòa bình cho đại lục chúng ta và cho thế giới”.
Sau khi bầu ban
lãnh đạo Ủy ban COMECE, các thành viên đã gặp Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc
vụ khanh Tòa Thánh, và trao đổi về những khía cạnh nhân đạo, địa lý chính trị
và hệ lụy xã hội của chiến tranh ở Ucraina, cũng như về cách thức Giáo hội Công
giáo có thể khuyến khích mọi người góp phần vào vai trò của Liên hiệp Âu châu,
như một tác nhân xây dựng hòa bình thế giới.
Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. |
RVA
THÔNG BÁO
1. Giáo xứ xin tri ân cô Vũ - tiệm bánh Mỹ Wũ thuộc giáo họ Giuse Thị đã ủng hộ cho giáo xứ mười triệu đồng. Và một ân nhân thuộc giáo họ Anrê Trông đã ủng hộ cho người nghèo hai triệu đồng. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị.
2. Thứ Tư, ngày 29.3.2023. Sáng: từ 8 giờ đến 10 giờ 30 phút. Chiều: từ 2 giờ đến 4 giờ 30 phút sẽ có các cha khách ngồi tòa Giải tội. Xin cộng đoàn sắp xếp dọn mình Xưng tội để đón mừng đại Lễ Phục Sinh.
Còn các ngày trong
tuần trước Thánh Lễ vẫn có các Cha ngồi tòa cho những ai có nhu cầu muốn xưng
tội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét