Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 755

 


CHÚA NHẬT V MÙA CHAY A

Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45

Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt”. Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển”. Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: “Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa”.

Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Người xúc động và hỏi: “Ðã an táng Ladarô ở đâu?” Họ thưa: “Thưa Thầy, xin đến mà xem”. Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: “Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!” Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: “Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?” Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: “Hãy đẩy tảng đá ra”. Martha là chị người chết, thưa: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”. Chúa Giêsu lại nói: “Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con”. Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: “Ladarô! Hãy ra đây!” Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: “Hãy cởi ra cho anh ấy đi”.

Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu làm phép lạ cho ông Lazarô chết 4 ngày được sống lại. Qua phép lạ này, Chúa báo trước sự phục sinh của Ngài sau này, đồng thời hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng sống lại trong ngày sau hết như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.”

Thật vậy, con người có hai sự sống: sự sống thể xác và sự sống linh hồn. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô gọi là sự sống phần xác và sự sống theo Thần Khí. Cũng vậy, con người có hai cái chết: chết về phần xác và chết về phần linh hồn.

Đối với phần xác: Có ngày khai sinh, có ngày khai tử. Không ai sống mãi ở trên cõi đời này. Người trẻ cũng chết. Người già cũng chết. Người giàu cũng chết. Người nghèo cũng chết. Người có quyền cao chức trọng cũng chết. Người thường dân cũng chết. Ladarô trước khi được Đức Giêsu cho sống lại cũng đã chết 4 ngày và chắc chắn sau đó ông cũng phải chết. Đức Giêsu vì mang bản tính con người cho nên Ngài cũng chết. Nhưng đức tin Kitô giáo dạy chúng ta “xác loài người ngày sau sẽ sống lại.”

Ngoài phần xác, con người còn có phần linh hồn. Linh hồn nhận được sự sống của Thiên Chúa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Linh hồn được nuôi dưỡng nhờ Bí tích Thêm sức, Giao Hòa, Thánh Thể, Xức dầu… Sự sống linh hồn sẽ được kéo dài vĩnh viễn bên Chúa khi con người chết trong ơn nghĩa Chúa. Chúng ta gọi là chết lành. Nhưng sự sống linh hồn cũng có thể bị chết do tội lỗi. Khi con người cố tình phạm tội trọng thì coi như linh hồn đã chết. Nếu tình trạng đó kéo dài sau khi chết cả phần xác thì sẽ lâm vào tình trạng chết đời đời. Chúng ta gọi là chết dữ.

Qua phép lạ này giúp chúng ta xác tín vào niềm tin của chúng ta cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là niềm tin vào sự sống đời đời. Xin cho mỗi người chúng con không chỉ tuyên xưng niềm tin mà còn thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống để ngày sau chúng con được sống mãi với Chúa trên Thiên Đàng.

BẢN TIN

1.                  Đại diện Tòa Thánh tố giác các vụ bách hại Kitô hữu

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, Đức Tổng giám mục Fortunatus Nwachukwu tố giác rằng “trong những năm gần đây có sự gia tăng bạo lực và các biện pháp đàn áp. Các tín hữu thường không được quyền biểu lộ và thực hành tín ngưỡng của họ, khi điều này không đe dọa an ninh công cộng hoặc vi phạm các quyền của người khác”.

Đức Tổng giám mục Nwachukwu người Nigeria bày tỏ lập trường trên đây, hôm 21 tháng Ba vừa qua, tại Khóa họp thứ 52 của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève. Ngài mới được Đức Thánh cha chỉ định làm Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin mừng và sẽ về Vatican nhận nhiệm sở trong thời gian tới đây.

Trong bài tham luận, Đức Tổng giám mục cũng nói rằng: “Ngày nay, cứ bảy người dân thì có một tín hữu Kitô bị bách hại”. Ngài trưng dẫn lời Đức Thánh cha Phanxicô: “Hòa bình cũng đòi phải nhìn nhận phổ quát quyền tự do tôn giáo. Thật là điều đáng lo âu vì có những người bị bách hại chỉ vì họ công khai tuyên xưng niềm tin của họ, và tại nhiều nước tự do tôn giáo bị giới hạn. Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong những hoàn cảnh như thế”.

Đức Tổng giám mục Nwachukwu tố giác sự gia tăng các biện pháp đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số từ phía một số chính quyền quốc gia. Ngoài ra, có những vụ xúc phạm và phá hoại các nơi thờ phượng, các địa điểm tôn giáo, cũng như các cuộc tấn công các vị lãnh đạo tôn giáo. Những vụ đó ngày càng trở nên thường xuyên”.

Theo vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, một điều gây lo âu không kém, đó là “tại một nước, dưới chiêu bài bao dung và bao gồm mọi người, sự kỳ thị được thực hiện một cách tinh vi và xảo quyệt hơn. Ngày càng có những quốc gia áp đặt những hình thức kiểm duyệt khác nhau, thu hẹp khả thể biểu lộ xác tín của tín hữu, hoặc công khai hoặc về mặt chính trị, viện cớ là để ngăn chặn việc làm tổn thương sự nhạy cảm của người khác”. Làm như thế là “đánh mất những cơ hội đối thoại lành mạnh và cả những lời phát biểu công khai. Khi không gian ấy bị thu hẹp, thì cũng giảm bớt quyền căn bản về tự do tôn giáo của chúng ta, kể cả tự do tư tưởng và tự do lương tâm, vốn là một tiền đề không thể thiếu được để đạt tới hòa bình và xây dựng một xã hội công bằng”.

Vatican News 21-3-2023

2.                  Tân Chủ tịch Ủy ban Giám mục Liên hiệp Âu châu

Ủy ban COMECE đang nhóm khóa họp mùa xuân tại Roma, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng Ba năm 2023, và trong ngày đầu tiên các tham dự viên đã bầu vị Chủ tịch mới là Đức cha Mariano Crociata, Giám mục Giáo phận Latina ở Ý.

Đức cha Crociata năm nay 70 tuổi. Ngài kế nhiệm Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Dòng Tên, Tổng giám mục Giáo phận Luxemburg, vừa mãn nhiệm kỳ 5 năm. Đức cha đã từng là đại biểu trong 5 năm qua của Hội đồng Giám mục Ý tại COMECE và đã từng làm Phó Chủ tịch ủy ban này. Trước đó, Đức cha là Khoa trưởng Thần học viện tại thành phố Palermo, trên đảo Sicilia, trước khi được Đức Thánh cha Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Noto, năm 2007. Đức cha đã làm Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ý từ năm 2008 đến 2013, là năm ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Latina, thuộc vùng Lazio.

Hôm 22 tháng Ba vừa qua, Ủy ban đã bầu bốn vị Phó Chủ tịch mới cho bốn miền địa lý của Liên hiệp Âu châu, cho đến năm 2028: gồm một vị người Pháp, một vị Bồ Đào Nha, một vị người Lituani, và một vị cho vùng Bắc Âu.

Tuyên bố sau khi được bầu chọn, Đức cha Crociata nói rằng: “Đây là thời điểm quan trọng đối với Âu châu và Giáo hội. HIệp nhất và liên đới là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng phải hướng chúng ta qua nhiều biến chuyển mà xã hội chúng ta đang phải đương đầu.

“Tôi đặc biệt nói đến sự cần thiết phải có một sự phục vụ đúng đắn và lâu bền, sau những hậu quả của đại dịch Covid-19, làm sao để không ai bị thụt lùi đằng sau, cũng như canh tân ơn gọi của Âu châu là trở thành một nguồn phát triển và một lời hứa hòa bình cho đại lục chúng ta và cho thế giới”.

Sau khi bầu ban lãnh đạo Ủy ban COMECE, các thành viên đã gặp Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và trao đổi về những khía cạnh nhân đạo, địa lý chính trị và hệ lụy xã hội của chiến tranh ở Ucraina, cũng như về cách thức Giáo hội Công giáo có thể khuyến khích mọi người góp phần vào vai trò của Liên hiệp Âu châu, như một tác nhân xây dựng hòa bình thế giới.

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

 

THÔNG BÁO

1.    Giáo xứ xin tri ân cô Vũ - tiệm bánh Mỹ Wũ thuộc giáo họ Giuse Thị đã ủng hộ cho giáo xứ mười triệu đồng. Và một ân nhân thuộc giáo họ Anrê Trông đã ủng hộ cho người nghèo hai triệu đồng. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị.

2.    Thứ Tư, ngày 29.3.2023. Sáng: từ 8 giờ đến 10 giờ 30 phút. Chiều: từ 2 giờ đến 4 giờ 30 phút sẽ có các cha khách ngồi tòa Giải tội. Xin cộng đoàn sắp xếp dọn mình Xưng tội để đón mừng đại Lễ Phục Sinh.

    Còn các ngày trong tuần trước Thánh Lễ vẫn có các Cha ngồi tòa cho những ai có nhu cầu muốn xưng tội.


Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 754


 

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A

Ga 9, 1. 6-9. 13-17. 34-38

Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy, và bảo: “Anh hãy đến hồ Silôe mà rửa”. Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.

Những người láng giềng và kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: “Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?” Có kẻ nói: “Ðúng hắn”. Lại có người bảo: “Không phải, nhưng là một người giống hắn”. Còn anh ta thì nói: “Chính tôi đây”. Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt. Anh đáp: “Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt”. Mấy người biệt phái nói: “Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat”. Mấy kẻ khác lại rằng: “Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?” Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Ðó là một Tiên tri”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.

Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: “Anh có tin Con Thiên Chúa không?” Anh thưa: “Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?” Chúa Giêsu đáp: “Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh”. Anh ta liền nói: “Lạy Ngài, tôi tin”, và anh ta sấp mình thờ lạy Người.


SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan kể cho chúng ta nghe câu chuyện về anh mù. Anh này bị mù từ nhỏ, bị mù bẩm sinh. Vì mù nên anh không biết khuôn mặt của mình, không biết cha mẹ mình là ai và những người thân của mình như thế nào. Anh cũng không thấy được vẻ đẹp của vũ trụ và thiên nhiên. Anh phải sống trong một tâm trạng buồn thảm và thất vọng hoàn toàn. Những người Do thái cho rằng vì có tội nên anh mới bị trừng phạt như thế. Nhưng thật may, Chúa Giêsu đã thấy anh và chữa anh sáng mắt. Chúa không chỉ chữa cho anh được sáng đôi mắt thể xác, giúp anh thấy mình, thấy tha nhân, thấy cảnh vật xung quanh; nhưng quan trọng hơn, Ngài còn chữa lành đôi mắt đức tin của anh nữa. Chúa đã hỏi anh: “Anh có tin vào con người không? Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Chúa Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (Ga 9,35-38). Chúa cho anh được thấy Ngài, được gặp Ngài, được tin Ngài và thờ phượng Ngài.

Chúng ta là những người rất diễm phúc. Diễm phúc vì được Chúa ban cho đôi mắt lành lặn, một đôi mắt sáng. Ta hãy cám ơn Chúa về ân huệ đó. Tuy nhiên, đôi mắt thể xác của chúng ta sáng nhưng có thể đôi mắt tinh thần, đôi mắt tâm hồn, đôi mắt đức tin của ta bị mù loà; như Chúa Giêsu nói với những người Pharisêu: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39). Đúng là có những người nhìn thấy, có những người sáng mắt nhưng tâm hồn của họ lại mù lòa: Mù vì không nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ này. Không thấy Thiên Chúa hiện diện trong Giáo Hội, nơi tha nhân, trong Lời Chúa và trong Thánh Thể. Ta không thấy Thiên Chúa đang đồng hành với mình; không cảm nghiệm được những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm; và không tin có Thiên Chúa đang hiện hữu trong thế giới này.

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, xin Chúa hãy mở đôi mắt tinh thần của con để con thấy được những bất toàn, những giới hạn, những khuyết điểm của con. Xin Chúa hãy mở đôi mắt tâm hồn của con để con thấy được những điều hay, những điều tốt nơi anh chị em con. Xin Chúa hãy mở đôi mắt đức tin của con để con thấy Chúa, nhận ra Chúa và cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho con.

 

BẢN TIN

1.                  Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Phật giáo tại Vatican

Ngày 16/3, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với phái đoàn thuộc Hiệp hội Phật giáo Nhân văn Đài Loan tại Vatican. Trong đó, ĐTC nhấn mạnh và trò quan trọng của các tôn giáo trong việc thúc đẩy tình huynh đệ bằng cách cổ võ nền văn hóa gặp gỡ.

Phát biểu trước phái đoàn các tu sĩ Phật giáo, ĐTC nhìn nhận chuyến thăm của họ là cơ hội đặc biệt để thúc đẩy nền văn hóa gặp gỡ, để tìm hiểu về anh chị em mình và khám phá thêm về bản thân.

Ngài nói: “Nền văn hóa gặp gỡ xây dựng những cây cầu và mở ra những cánh cửa dẫn đến những giá trị thiêng liêng và những xác tín truyền cảm hứng cho những người khác. Nó phá bỏ những bức tường ngăn cách con người và giam giữ họ thành tù nhân của những định kiến, thành kiến hoặc sự thờ ơ”.

Kết lời, ĐTC Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm của phái đoàn Phật giáo đến Rôma có thể dẫn đến một cuộc gặp gỡ sâu sắc hơn, mang đến “những cơ hội quý giá mới để phát triển kiến thức, sự khôn ngoan, đối thoại và hiểu biết”.

Theo Vatican News

 

2.                  10 năm triều Giáo hoàng Phanxicô với những con số

Nhân kỷ niệm 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn làm Giáo hoàng, Phòng Báo chí Toà Thánh đã phát hành một tập sách nhỏ dày 20 trang, có tựa đề “Đức Giáo hoàng Phanxicô - kỷ niệm 10 năm Giáo hoàng”, trong đó trình bày những con số về các hoạt động của Đức Thánh Cha trong 10 năm qua.

Người đến từ tận cùng thế giới 

Tập sách nhỏ mở đầu với những lời đầu tiên của Đức tân Giáo hoàng khi ban phép lành đầu tiên “Urbi et Orbi” - cho Roma và toàn thế giới. Ngài nói rằng dường như các Hồng y đã chọn người ở tận cùng thế giới và xin cùng cầu nguyện cho vị tiền nhiệm của ngài, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức. Ngài đã cùng các tín hữu đọc một kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh. Trước khi ban phép lành đầu tiên cho các tín hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin các tín hữu cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho ngài. Và triều Giáo hoàng Phanxicô bắt đầu.

Kinh Truyền Tin và tiếp kiến chung

Sau 10 năm, Đức Thánh Cha đã chủ sự 569 buổi đọc Kinh Truyền Tin hoặc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng vào trưa các Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, 437 buổi tiếp kiến chung tại Vatican vào các sáng thứ Tư.

Các tài liệu giáo huấn

Đặc biệt, Đức Thánh Cha đã ban hành nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có 3 thông điệp: Lumen fidei (2013), Laudato sì (2015) và Fratelli tutti (2020); bên cạnh đó là 6 tông hiến, với tông hiến mới nhất Praedicate Evangelium - Hãy đi rao giảng Tin Mừng - về cải cách giáo triều Rôma. Đức Thánh Cha cũng đã ban hành 5 tông huấn về các vấn đề loan báo Tin Mừng, tình yêu gia đình, ơn gọi nên thánh, về giới trẻ và về miền Amazon.

Tuyên hơn 1.000 vị thánh ; phong 121 Hồng y

Trong 10 năm qua, Đức Thánh Cha đã tuyên thánh 6.010 vị và tuyên chân phước 1.443 vị, triệu tập 8 Công nghị Hồng y để thăng 121 vị làm Hồng y.

3 kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới

Đức Thánh Cha cũng đã tham dự 3 Đại hội Giới trẻ Thế giới: tại Rio de Janeiro, Brazil, năm 2013; Cracovia, Ba Lan, năm 2016; và Panama năm 2019. Bên cạnh đó, ngài đã triệu tập 5 Thượng Hội đồng, đặc biệt là Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành, đang diễn ra từ năm 2021-2024.

40 chuyến tông du nước ngoài

Từ khi khai mạc sứ vụ đến nay, Đức Thánh Cha đã thực hiện 40 chuyến tông du nước ngoài, thăm viếng 60 nước, trong đó có những quốc gia lần đầu tiên tiếp đón vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo, không kể rất nhiều lần viếng thăm các giáo phận ở Ý và nhiều giáo xứ ở Rôma. (CSR_1062_2023)

 Nguồn tin: www.vaticannews.va

 

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Anh Phêrô Đào Hùng, sinh 1969 tại Phong Nẫm, là chồng của chị Matta Hoàng Thị Lê Huệ, ở tại giáo họ Matthêu Phượng, đã qua đời ngày 11/3/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 14/3/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Tp. Phan Thiết. Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Phêrô mau về hưởng tôn nhan Chúa.

 

THÔNG BÁO

1.    Vào lúc 4g30’, Thứ Hai, có Thánh Lễ mừng bổn mạng Đức Cha Giuse –  Giám mục Giáo phận Phan Thiết chúng ta.  Xin cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Đức Cha giáo phận.

2.    Vào lúc 7h00, sáng Thứ Bảy ngày 25.03.2023: rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

3.     Sáng thứ bảy, ngày 25 tháng 3: trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân.

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 753

 

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY A

Ga 4, 5-42

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).

Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.

Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”

Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.

Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.

Người đàn bà thưa: “Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.

 

SUY NIỆM

Đói khát tiền tài, của cải, sự giầu sang chỉ là một trong muôn vàn cơn đói khát đang hành hạ và giết chết hàng vạn người. Có biết bao cơn khát của đam mê lầm lạc, của thú vui xác thịt, của tiền tài danh vọng đã đẩy bao người vào hố sâu của vực thẳm. Họ đã lầm, vì tất cả những thứ đó không bao giờ làm thoả mãn cơn khát trong lòng họ. Con người vẫn khao khát một điều gì đó vượt lên những ảo ảnh trần gian.

Người thiếu phụ bên bờ giếng Giacob hôm nay cũng thế. Mỗi ngày, chị phải ra giếng kín nước. Nhưng uống nước này là tự đầy đoạ mình. Dù chưa nhận ra, nhưng chị vẫn thao thức và bị dày vò vì một cơn khát nào đó mà những mối tình trần tục đã không giải khát nổi, đã không làm dịu đi sự thèm khát chút nào, càng đi sâu vào biển tình, chị càng thấy thiếu thốn.

Hôm nay Chúa viếng thăm người thiếu phụ Samaria và bà đã được tỉnh ngộ. Bà đã làm lại cuộc đời. Hằng ngày Chúa cũng đến thăm chúng ta qua thánh lễ, qua Lời Chúa và các bí tích, nhưng liệu chúng ta đã tìm được nguồn suối ân sủng của Ngài hay ta vẫn còn loay hoay ngụp lặn trong những ảo ảnh trần gian?

Mùa chay mời gọi chúng ta hãy tự kiểm điểm lại đời sống của mình: tôi đang khao khát những gì? Tôi đã tim được chúng chưa? Tôi thường tìm thoả mãn về những điều gì? Điều đó có giúp ta nên thánh hay đang hủy hoại mình trong những cơn đói khát bất chính?

Lời Chúa vẫn mời gọi chúng ta: “ai uống nước này sẽ không còn khát nữa”, chúng ta có tin và sống như thế hay không? Hay chúng ta vẫn đói khát của cải danh vọng, quyền thế để khi không được, chúng ta lại trách Chúa như dân Do Thái hồi ở Masa trong sa mạc năm xưa?

 

BẢN TIN

1. Thống Kê Về Giáo Hội Công Giáo Năm 2023

Theo thống kê mới nhất về Giáo hội Công giáo, hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ 378 triệu tín hữu Công giáo, tức là tăng thêm 18 triệu người so với năm trước đó. “Niên Giám thống kê về Giáo hội Công giáo”, được báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh công bố hôm 03/3, có thể cho thấy những thông tin liên quan đến đời sống Giáo hội Công giáo trên thế giới, bắt đầu từ ngày 01/12/2021 đến 30/11/2022.

Số tín hữu: Trên toàn cầu, số tín hữu Công giáo tăng từ 1 tỷ 360 triệu trong năm 2020 lên 1 tỷ 378 triệu trong năm 2021, tức là tăng 18 triệu người.  

Số tín hữu gia tăng 0,99% tại châu Á, 3,1% tại châu Phi, và 1,01% tại châu Mỹ. Tính đến năm 2021, người Công giáo chiếm 17,67% dân số thế giới.

Số giám mục, linh mục và phó tế vĩnh viễn: Theo thống kê này, tổng số giám mục trong Giáo hội hiện nay là 5.340 vị, giảm 13 vị so với năm trước đó.

Số các linh mục trên thế giới giảm từ 410.219 vị vào năm 2020 xuống 407.872 vị vào năm 2021, mức giảm là 0,57%. Sự giảm sút nhiều nhất xảy ra tại Âu châu, tiếp theo đó là Mỹ châu và Úc châu. Tuy nhiên, số linh mục gia tăng tại Phi châu và Á châu.

Số phó tế vĩnh viễn tiếp tục gia tăng trong Giáo hội, tăng từ 48.635 thầy lên 49.176, mức tăng là 1,1%; tăng mạnh nhất là tại Mỹ và châu Âu.

Các tu huynh trong Giáo hội giảm từ 50.569 thầy trong năm 2020 xuống còn 49.774 thầy trong năm 2021.

Số tu sĩ nam nữ và chủng sinh: Trong năm 2021, số nữ tu trong Giáo hội tiếp tục suy giảm: từ 620.000 chị giảm xuống còn 608.958 chị. Số nữ tu gia tăng ở Á Châu và Phi châu, nhưng lại giảm sút tại Âu, Mỹ và Úc châu.

Số đại chủng sinh triều và dòng của Giáo hội cũng giảm mất 1.960 thầy, và hiện có 109.895 thầy. Chỉ tại Phi châu có số các đại chủng sinh tăng, trong khi tại các đại lục đều giảm bớt.

Tác giả: Ngọc Yến - Vatican News

 

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng phụ nữ trong Ngày Quốc tế Phụ nữ

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, Đức Thánh Cha mời gọi vỗ một tràng pháo tay dành cho phụ nữ, ĐTC nói "họ xứng đáng được như vậy", đồng thời ca ngợi "trái tim dịu dàng" và "khả năng xây dựng một xã hội nhân văn hơn" của nữ giới.

"Vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, tôi nghĩ đến tất cả quí chị em: Tôi cảm ơn quí chị em vì những cam kết xây dựng một xã hội nhân văn hơn, thông qua khả năng nắm bắt thực tế bằng con mắt sáng tạo và trái tim nhân hậu." Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu như vậy trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư (8/3/2023) tại Vatican, ngài nhắc lại rằng Ngày quốc tế được kỷ niệm vào ngày 8 tháng 3, “Đây là một đặc ân của riêng cho phụ nữ!

“Một lời chúc đặc biệt cho tất cả phụ nữ ở quảng trường. Và một tràng pháo tay cho chị em phụ nữ! Họ xứng đáng điều đó!”

Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào đến các bệnh nhân, người già, các cặp vợ chồng mới cưới và các bạn trẻ.

Ngài nói: “Trong những ngày Mùa Chay này, chúng ta hãy can đảm bước đi theo bước chân của Chúa Kitô, noi gương khiêm nhường và trung thành với thánh ý Chúa”.

Mời gọi nhớ đến anh chị em Ukraine: Đức Thánh Cha kêu gọi: “Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên nỗi đau của người dân Ukraine đang bị vùi dập, họ phải chịu đựng quá nhiều khổ đau… chúng ta hãy nhớ họ trong trái tim và trong lời cầu nguyện của chúng ta.”

Sáng nay, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha cũng tiếp tục loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ, tuần này ngài nhấn mạnh đến lãnh vực rao giảng Tin Mừng của Giáo hội.

Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov

 

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Anh Giuse Phan Văn Mỹ, sinh 1983 tại Đức Nghĩa - Phan Thiết, là chồng của chị Ter. Nguyễn Lê Yến Nhi, ở tại giáo họ Matthêu Phượng, đã qua đời ngày 09/3/2023 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 11/3/2023 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Vinh An. Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Giuse mau về hưởng tôn nhan Chúa.


THÔNG BÁO

Vào lúc 4g30’, Thứ Bảy, có Thánh Lễ mừng bổn mạng cha Phó Giuse Nguyễn Văn Quang, của Hội Gia Trưởng, một số anh em trong Hội Đồng Mục Vụ và những ai bổn mạng Thánh Giuse. Xin cộng đoàn tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho cha Giuse, Hội Gia Trưởng và cho mọi người có bổn mạng Giuse.

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 752


 

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A

Mt 17, 1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

 

SUY NIỆM

Chúa hiển dung nghĩa là Chúa tỏ hiện đúng dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vì Thiên Chúa là Thánh, ngàn trùng chí thánh đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Ba môn đệ đã cúi mình kính phục trước dung nhan thật của Chúa Giêsu.

Đây chính là sứ điệp mà mùa chay đang mời gọi chúng ta: hãy tỏ hiện dung nhan thật của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa ra lời nói và việc làm của mình. Hãy thể hiện sự thánh thiện của hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình để mọi người được chiêm ngưỡng. Hãy gạn đục khơi trong để hình ảnh của Chúa luôn tỏ hiện ra nơi bản thân của chúng ta. Hãy tìm lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu của mình, một hình ảnh chưa bị lòng ham muốn danh lợi thú làm hoen ố, mới thấy phẩm giá cao đẹp của con người thật cao quý hơn muôn loài.

Ý thức được rằng, phẩm giá con người cao quý hơn mọi danh lợi thú trần gian, để đừng bao giờ vì một chút bổng lộc trần gian, một chút vui sướng mau qua mà đánh mất phẩm giá của mình và làm tổn thương đến phẩm giá của tha nhân.

Xin Chúa giúp chúng ta can đảm tẩy rửa những bợn nhơ tội lỗi làm hoen ố lương tri, và xin Chúa thêm ơn trợ giúp để chúng ta luôn gìn giữ nét đẹp nơi phẩm giá làm người của mình và của tha nhân.

 


BẢN TIN

BÀI THUYẾT TRÌNH CỦA ĐỨC HỒNG Y JEAN-CLAUDE HOLLERICH TẠI ĐẠI HỘI THƯỢNG HỘI ĐỒNG CẤP CHÂU LỤC CỦA GIÁO HỘI Á CHÂU

Trong phiên họp sáng 26. 2. 2023, ngày cuối cùng của Đại hội Thượng Hội đồng Cấp châu lục của Giáo hội Á châu, các tham dự viên đã lắng nghe bài thuyết trình của Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, SJ, TGM Luxembourg, và Tổng tường trình viên Thượng Hội đồng XVI về Hiệp hành tính.

Dưới đây là nội dung bài Thuyết trình của Đức Hồng y

Xin chào anh chị em buổi sáng,

Tôi có 3 điểm để chia sẻ với anh chị em.

- Điểm thứ nhất: Ngày đầu tiên, một nhóm nhỏ có đề cập đến về sự hoà hợp, liên đới, và giao hưởng. Tôi xin chọn từ "Giao hưởng".

Giao hưởng có nghĩa là nhiều nhạc cụ khác nhau với những âm thanh khác nhau cùng tạo ra một âm thanh hay. Vì vậy, để trở thành bản giao hưởng, phải có sự lặp đi lặp lại và phải tuân theo một kỉ luật nhất định, nếu không thì sẽ không phát huy tác dụng. Đồng thời, mỗi người phải chăm sóc nhạc cụ của mình. Nếu cây đàn piano không được điều chỉnh, nó sẽ tạo thành một bản giao hưởng tệ hại, một tạp âm.

Do đó, hoán cải Hiệp hành là cách giúp mỗi chúng ta điều chỉnh nhạc cụ của mình. Hoán cải luôn luôn là hoán cải với Chúa Kitô. Và nếu chúng ta biết Chúa Kitô, nếu chúng ta thực sự chấp nhận tình bằng hữu của Người, thì chúng ta cảm thấy rằng mình phải dấn thân trên con đường Hiệp hành. Con đường Hiệp hành này có nghĩa là đặt cái tôi của chúng ta lùi lại một chút. Và sự hoán cải Hiệp hành có nghĩa là đặt chúng ta ở ngưỡng cửa của sự khiêm tốn, nên sẽ không có Hiệp hành tính nếu không có sự khiêm tốn.

- Điểm thứ hai: Nếu có chút khiêm tốn, chúng ta có thể làm việc cùng nhau. Nếu cùng nhau bước đi trên lộ trình Hiệp hành này, chúng ta nhìn vào nhau và chúng ta nhìn thấy phẩm giá của Phép Rửa nơi mỗi người. Và rồi sau đó chúng ta nhận ra rằng, có những người đã được rửa tội nhưng đi cách xa chúng ta một chút – đó là tất cả các Kitô hữu khác.

Hiệp hành tính dựa trên Phép Rửa. Và tôi cảm thấy rằng sẽ có một mùa xuân đại kết mới dựa trên Bí tích Rửa tội. Bởi vì trước đây chúng ta rất quan tâm đến sự Hiệp thông. Và sau đó chúng ta bị mắc kẹt. Với Bí tích Rửa tội – trong Kinh tin kính chúng ta nói về Phép Rửa chứ không nói về sự Hiệp thông – chúng ta tìm lại được một thời điểm rất quan trọng của căn tính để trở thành một Kitô hữu.

Vì vậy, Thượng Hội đồng ở Rôma sẽ bắt đầu với buổi canh thức cầu nguyện đại kết Taize, nơi tất cả các Kitô hữu khác được mời cầu nguyện cho Thượng Hội đồng. Sẽ thật tuyệt vời nếu trong mỗi giáo phận có một buổi cầu nguyện đại kết cho việc bắt đầu Thượng Hội đồng.

- Điểm thứ ba: Chúng ta hãy lấy một bản văn về Hiệp hành tính chưa bao giờ được hiểu theo cách đó – trình thuật sáng tạo người nam và người nữ. Hiện nay bản văn này đã được giải thích đôi khi rất cá nhân. Con người được tạo dựng, tôi được tạo dựng. Đó là cách hiểu hạn hẹp của người châu Âu về sự sáng tạo. Sau đó, nó được hiểu là người nam và người nữ - hôn nhân, gia đình. Rất đẹp, rất đúng.

Nhưng tôi nghĩ rằng có một cách giải thích bản văn về Hiệp hành tính - nhân loại được tạo dựng. Và chúng ta, với tư cách là Giáo hội là một phần của nhân loại đó, và chúng ta được kêu gọi để phục vụ nhân loại. Vì vậy, một Giáo hội Hiệp hành là một Giáo hội được Chúa Kitô giao cho sứ mạng, loan báo Tin Mừng và phục vụ thế giới. Vì thực, nếu chúng ta không phục vụ thế giới, sẽ chẳng có ai tin vào việc loan báo Tin Mừng mà chúng ta thực hiện.

Ở điểm này, tôi muốn nói rằng, chúng ta có một tập hợp giáo huấn tuyệt vời của Đức Thánh Cha Phanxicô – Thông điệp Laudato si’, chúng ta phải phục vụ thụ tạo, Mẹ Đất, như lời thánh Phanxicô Assisi đã nói. Và chúng ta cùng nhau làm điều đó – Thông điệp Fratelli tutti – với các tôn giáo khác. Vì vậy, một Giáo hội Hiệp hành giống như hạt giống được gieo vào lòng đất, hạt giống này phải sinh hoa kết trái. Và hoa trái này cũng sẽ thể hiện trong việc đối thoại với các tôn giáo khác.

Chúng ta đang sống trong sự thay đổi của kỷ nguyên, của thời đại. Chúng ta đang ở năm 0 của kỷ nguyên kỹ thuật số. Và những người trẻ đã ở năm 0,1. Và đây là một sự khác biệt lớn. Đôi khi chúng ta, như là giám mục, đang ở mức - 0,1, ngay trước thời đại kỹ thuật số. Vì vậy, chúng ta cũng cùng nhau chuyển sang thời đại của chúng ta. Việc số hóa thông tin sẽ mang nhiều yếu tố của chủ nghĩa cá nhân trở lại.

Và ngay cả Châu Á, vốn là lục địa ít cá nhân chủ nghĩa hơn trên thế giới, và là nơi cộng đoàn được coi trọng hơn nhiều so với ở Châu Âu. Nhưng anh chị em cũng có số lượng lớn nhất các chuyên gia IT (Công nghệ thông tin) ở châu Á. Do đó, các xã hội của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.

Hiệp hành tính đưa cộng đoàn trở lại trung tâm của việc sống cùng là một sự phục vụ cho kỷ nguyên mới này: không quên sự liên đới, không quên cộng đoàn. Tất cả chúng ta đang trên đường với Chúa Kitô. Và chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta.

Xin cảm ơn anh chị em rất nhiều vì Đại hội tuyệt vời này. Tôi cảm thấy quen thuộc như ở nhà. Giáo hội Châu Á có rất nhiều điều để trao tặng cho thế giới. Cám ơn anh chị em đã quan tâm lắng nghe.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP chuyển ngữ

 

THÔNG BÁO

1.      Giáo xứ xin tri ân chị Nguyễn Thị Lành, thuộc giáo họ Matthêu Phượng đã ủng hộ cho Giáo xứ một triệu đồng. Và một người thuộc giáo họ Anrê Kim Thông đã ủng hộ cho người nghèo năm trăm nghìn đồng. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị.