Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

BẢN TIN HÀNG TUẦN SỐ 719


 CHÚA NHẬT XVI TN C

Lc 10, 38-42

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

SUY NIỆM

Làng Bêtania cách xa thủ đô Giêrusalem độ ba cây số. Nơi đây có một gia đình đạo đức mà Chúa Giêsu rất yêu quí. Đó là gia đình chị Mácta, Maria và Ladarô.

Lúc Chúa tới, Mácta lo lắng chuẩn bị bữa ăn, trong lúc Maria ngồi yêu bên Chúa để nghe Người giảng dạy. Câu trả lời của Đức Giêsu trước lời đề nghị của Mácta không có nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận tất cả sự quan tâm lo lắng của Mácta. Nhưng Đức Giêsu muốn cho thấy một điều cao quí hơn là lắng nghe Lời Chúa. Lo lắng cho Chúa là điều đáng quí, nhưng để hết tâm trí để nghe Lời Ngài mà thực thành theo, lại còn quí hơn.

TIN TỨC

1. ĐTC bổ nhiệm 3 người nữ vào Bộ Giám mục

Ngày 13.07.2022, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm ba người nữ, gồm hai nữ tu và một trinh nữ thánh hiến, làm thành viên của Bộ Giám mục, cơ quan sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các ứng viên giám mục cho các giáo phận. Đây là những người nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ Giám mục.

 Người thứ nhất là sơ Raffaella Petrini, dòng Phanxicô, đang là Tổng thư ký của Phủ Thống đốc thành Vatican, vị trí thứ hai trong Phủ Thống đốc thành Vatican, kể từ tháng 11.2021.

Tiếp đến là sơ Yvonne Reungoat, bề trên tổng quyền của Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ. Năm 2019, nữ tu người Pháp này là một trong bảy phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm thành viên của Bộ Tu sĩ.

Và chị Maria Lia Zervino, thành viên của Hiệp hội các Trinh nữ Thánh hiến “Servidoras”, chủ tịch của Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới. Chị cũng là cố vấn của Bộ Đối thoại Liên tôn.

Cách nay một tuần, trả lời các câu hỏi phỏng vấn của phóng viên Phil Pullella của hãng tin Reuters, Đức Thánh Cha đã thông báo về việc bổ nhiệm một số người nữ vào Bộ Giám mục; họ sẽ tham gia vào việc chọn các giám mục mới cho các giáo phận.

Cũng trong ngày 13.07.2022, Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm 4 Hồng y, 4 Hồng y tân cử và 2 giám mục làm thành viên Bộ Giám mục.

Cho đến nay, các thành viên của Bộ Giám mục là nam giới và chủ yếu là các Hồng y, và một số giám mục.

Công việc của 24 thành viên của Bộ Giám mục là hỗ trợ việc chọn giám mục cho các giáo phận. Thông thường, Sứ thần Tòa thánh tại một nước chuyển các đề cử và tài liệu cho Vatican. Sau đó, Bộ Giám mục thảo luận về việc bổ nhiệm và tiến hành bỏ phiếu. Các ứng viên sẽ được trình lên Đức Giáo hoàng cùng với các đề cử. Nhưng quyết định cuối cùng trong việc bổ nhiệm giám mục thuộc về Đức Giáo hoàng, và ngài có thể tự do lựa chọn bất cứ ai mà ngài chọn.

Hồng Thủy

2. Các giám mục Hoa Kỳ lo ngại về lệnh hành pháp của Tổng thống Biden thúc đẩy phá thai

Đức Tổng Giám mục William Lori của Baltimore, Chủ tịch Ủy ban về các hoạt động phò sự sống của Hội đồng giám mục Hoa Kỳ, nói rằng quyết định của Tổng thống Mỹ sử dụng quyền lực tổng thống của mình "để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá thai ở đất nước chúng ta" là "vô cùng đáng lo ngại và bi thảm."

Đáp lại lệnh hành pháp về việc tiếp cận phá thai - được mô tả bằng những mỹ từ và dễ gây hiểu lầm như là "các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" - được Tổng thống Biden ban hành ngày 8/7/2022, Đức Tổng Giám mục Lori đã đưa ra tuyên bố tố cáo Tổng thống Joe Biden "sử dụng quyền lực của mình với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ để thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc phá thai ở đất nước chúng ta, tìm mọi cách có thể để từ chối quyền con người và quyền dân sự cơ bản nhất, quyền được sống của các trẻ em chưa được sinh ra."

Lệnh của tổng thống bao gồm một loạt vấn đề, trong đó có các thực hành bị phản đối về mặt luân lý như dịch vụ "chăm sóc" phá thai và ngừa thai, cũng như các vấn đề chăm sóc sức khỏe thực sự như đảm bảo phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế khẩn cấp trong trường hợp sẩy thai và mang thai ngoài tử cung.

Đức Tổng Giám mục Lori tố cáo rằng "thay vì sử dụng quyền lực của cơ quan hành pháp để tăng cường hỗ trợ và chăm sóc các bà mẹ và trẻ sơ sinh, mệnh lệnh hành pháp của tổng thống chỉ tìm cách tạo điều kiện cho việc tiêu diệt những con người không có khả năng tự vệ, không có tiếng nói."

Ngài yêu cầu tổng thống từ bỏ con đường dẫn đến chết chóc và hủy diệt này và chọn sự sống," đồng thời nói thêm rằng "Giáo hội Công giáo sẵn sàng làm việc với chính quyền này và tất cả các quan chức được bầu để bảo vệ quyền sống của mỗi con người và đảm bảo các bà mẹ mang thai và nuôi con được hỗ trợ đầy đủ trong việc chăm sóc con cái trước và sau khi sinh.

 Vatican News

3. ĐHY của Sri Lanka kêu gọi Tổng thống và Thủ tướng từ chức như đã hứa

 Trao đổi với báo Crux về tình trạng bất ổn khiến Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố từ chức hôm thứ Bảy, Đức Hồng y Ranjith nghi ngờ rằng Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka sẽ thực hiện lời hứa, vì "giới lãnh đạo ở đất nước này có thành tích xấu về việc giữ lời hứa, vì vậy tất cả chúng tôi đang hồi hộp chờ xem liệu tổng thống có giữ lời hứa từ chức hay không."

Trong những năm qua, Sri Lanka đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nặng nề, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và dân số, với tỷ lệ đói nghèo và lạm phát tăng cao do người dân phải vật lộn để mua các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu, và các loại thuốc thiết yếu ngày càng trở nên khan hiếm...

Cuộc khủng hoảng đã gây ra bất ổn chính trị và các cuộc biểu tình đông đảo. Hôm thứ Bảy 09.07.2022, ngày hỗn loạn nhất trong nhiều tháng bất ổn, dân chúng đã xông vào các dinh thự của cả Tổng thống và Thủ tướng, đốt cháy một trong các tòa nhà. Để đối phó với tình hình này, cả hai đều tuyên bố từ chức.

Từ nhiều tháng qua, Đức Hồng y Ranjith đã lên tiếng chống tham nhũng và kêu gọi lãnh đạo chính trị của đất nước từ chức, kêu gọi họ phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện tại...

Trong bối cảnh đất nước đang gặp khủng hoảng, Đức Hồng y Ranjith cho biết Giáo hội Công giáo luôn đi đầu trong việc hỗ trợ những người khốn khổ, hoạt động chủ yếu thông qua mạng lưới Caritas giáo phận, với một số trợ giúp từ các chi nhánh Caritas quốc tế. Giáo hội Công giáo và các nhà lãnh đạo từ các cộng đồng tôn giáo khác - bao gồm cả Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo - đang làm việc cùng nhau để cứu trợ người dân và họ có kế hoạch thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với bất kỳ chính phủ mới nào được thành lập.

Hồng Thủy

THÔNG BÁO

Nhằm mục đích tạo sân chơi, trau dồi kỹ năng, và học hỏi cho các em thiếu nhi trong dịp hè, sau 2 năm không tổ chức trại vì ảnh hưởng dịch Covid. Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể xứ sẽ tổ chức 1 ngày trại cho các em. Thời gian: từ 6g00 - 20g30, Thứ Năm, ngày 28.7.2022, tại khuôn viên giáo xứ Chính Tòa. Mong quý phụ huynh tạo điều kiện cho các em tham gia đầy đủ.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét