CN CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20, 19-23
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".
SUY NIỆM
Chúa Giê-su ban Thánh Thần cho các tông đồ ngay trong ngày Chúa phục sinh. Như một cuộc sáng tạo mới, Chúa Ki-tô phục sinh ban Thánh Thần qua việc “thổi hơi” trên các ông, một hình ảnh nói lên việc Chúa truyền “tinh thần” của Ngài cho các tông đồ. Nhờ cùng một “tinh thần” với Chúa, các tông đồ trở nên giống Chúa, nên một với Ngài, và nhờ đó, các tông đồ được nên một với nhau.
Chúa Thánh Thần, “tinh thần” của Đức Ki-tô chính là Đấng nối kết, hiệp nhất mọi người trong thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Nhờ sống trong Thánh Thần, chúng ta có được cảm thức về Hội Thánh. Khi chúng ta song theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ bình an thực sự, và sự bình an ấy giúp chúng ta sống tương quan với nhau và với Chúa trong cùng một tinh thần với Đức Kitô.
BẢN TIN
1.Ủy ban Giáo lý Đức Tin:
THÔNG CÁO VỀ “NHÓM TRỪ QUỶ BẢO LỘC”
Từ năm 2015, một nhóm nhỏ tín hữu thuộc Giáo xứ Bảo Lộc, Giáo phận Đà Lạt, đã ngộ nhận rằng họ được Chúa Cha “trực tiếp mạc khải”, làm “thư ký cho Chúa Cha”, và được Chúa Cha ban đặc ân “trừ quỷ”. ‘Nhóm’ này cũng lôi kéo được một số linh mục, tu sĩ tham gia, vì thế càng làm cho nhiều tín hữu khác dễ dàng tin theo con đường lầm lạc.
Trước những lầm lạc nghiêm trọng này, Đấng Bản quyền Giáo phận Đà Lạt đã kiên nhẫn lắng nghe và khuyên nhủ, kể cả ra khuyến cáo và kỷ luật. Dù vậy, ‘Nhóm’ này vẫn thể hiện sự bất tuân một cách rõ ràng và công khai, gây tổn hại đến sự hiệp nhất của đoàn chiên Chúa nơi Giáo phận Đà Lạt.
Hiện nay, hoạt động của nhóm này đang lan rộng ra ngoài phạm vi giáo phận Đà Lạt. Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong Hội Nghị Thường Niên kỳ I từ ngày 25-29 tháng 4 năm 2022, đã trao cho Uỷ ban Giáo lý Đức Tin ra thông cáo về “Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc”. Qua Thông Cáo này, chúng tôi muốn nhắc nhở anh chị em những điểm sau đây:
(1) Chúa Giêsu Kitô là Lời duy nhất và chung cuộc của Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ và Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x. Ga 1,18; Dt 1,1-2; Cv 4,12; SGLHTCG,101-104). Vì thế, bất cứ ai tự xưng mình được Chúa Cha “trực tiếp mạc khải” và là “thư ký cho Chúa Cha” thì người ấy đã phủ nhận vai trò của Chúa Kitô, và là sự xúc phạm nặng nề đến đức tin Công giáo.
(2) Việc tự xưng là “quỷ nhập” và “trừ quỷ”, hoặc coi “mọi bệnh tật đều là quỷ ám”…, để từ đó tự ý thực hiện những hành vi trừ tà mang tính mê tín và ma thuật, là không phù hợp với giáo lý và thực hành của Hội Thánh Công giáo. Chính Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội Thánh của Người quyền bính thiêng liêng chống lại những hình thức thống trị của Ác thần. Vì thế việc thực hành trừ tà phải được suy xét cẩn thận và thực hiện cách khôn ngoan, theo các quy định của Hội Thánh (x. SGLHTCG 1673, 2116-2117; GL 1172).
(3) Các tín hữu cần có sự hiểu biết Giáo lý và phân định sáng suốt, không để mình bị lừa dối bởi những quan niệm và thực hành sai lạc nêu trên (x. 1Tm 4,1), bằng cách theo sát những hướng dẫn của Hội Thánh, tránh xa những thực hành của “Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc” và những thông tin đến từ ‘Nhóm’ này. Chúng tôi cũng tha thiết kêu gọi các thành viên của “Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc” hãy trở về với Hội Thánh Công giáo, sống tinh thần hiệp nhất mà Đức Kitô Mục tử hằng mong ước (x. Ga 17,20-21).
Nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiến bước trong sự thật và hiệp nhất trong đức Tin.
Làm tại Văn phòng HĐGM Việt Nam, ngày 30.5 2022.
+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức Tin
2. Đức Thánh Cha: Tính hiệp hành sẽ dẫn chúng ta đến việc sống hiệp thông cách mạnh mẽ hơn
Trong video gửi cho Đại hội đồng Toàn thể của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh (PCLA), Đức Thánh Cha Phanxicô phản tỉnh về ý nghĩa của tính hiệp hành và hiệp thông, và nhấn mạnh rằng cả hai đều cần thiết khi Giáo hội bước vào hành trình hiệp hành.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, “chúng ta phải nhận thức được giới hạn của mình để có thể lớn lên và trổ sinh hoa trái phúc âm” trên con đường hiệp hành.
ĐTC đã phát biểu về chủ đề “hiệp hành và hiệp thông”, trong một sứ điệp video gửi tới Hội đồng toàn thể của Ủy ban.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang lấy một tư duy mở, để không tự lừa dối bản thân rằng, chúng ta “biết mọi thứ” hoặc có tất cả các câu trả lời. Ngài nói, khi tưởng tượng rằng chúng ta biết mọi thứ thì “cực kì nguy hiểm” trên hành trình hiệp hành, vì nó “không có chỗ cho Chúa Thánh Thần, Đấng giữ vai trò chính trong tiến trình này.”
ĐTC nói, “món quà chính là Chúa Thánh Thần, Đấng không áp đặt bằng sức mạnh, nhưng từ từ mời gọi lòng mến và sự tự do của chúng ta” để chúng ta có thể “đi vào sự hiệp nhất và hiệp thông mà Chúa Thánh Thầnh mong muốn trong mối liên kết với chúng ta.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng nếu chúng ta nhận được món quà này từ Chúa Thánh Thần, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên “không ngừng phục vụ người khác.”
Ngài nói, Chúa Thánh Thần không bao giờ lấy điều gì khỏi chúng ta, nhưng thay vào đó, chuyển động trong chúng ta, và đổi mới chúng ta.
“Chúa Thánh Thần không phải là một sức mạnh của quá khứ. Nhưng đúng hơn, Lễ Ngũ Tuần đang diễn ra trong thời đại của chúng ta: ‘Đấng Vô Danh Vĩ Đại’, Người không có hình ảnh, luôn hiện diện, không ngừng đồng hành và an ủi chúng ta!”
Tiếp đó, Đức Thánh Cha Phanxicô suy xét về vai trò của Ủy ban Giáo hoàng, mà ngài mô tả như một diakonia – phục vụ, một bộ phục vụ nhằm biểu đạt tình cảm và sự quan tâm mà ĐTC dành cho Châu Mỹ Latinh.
ĐTC cũng nhấn mạnh về nhiệm vụ của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh là “thúc đẩy tính hiệp hành càng rộng rãi càng tốt.” Ngài nhấn mạnh: tính hiệp hành và hiệp thông đều phải cùng hiện diện trong tiến trình này, và cảnh báo không nên có điều này mà thiếu điều kia.
“Sự hiệp thông nếu không có tính hiệp hành có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa bất động và chủ nghĩa quy tâm không mong muốn nào đó. Còn hiệp hành mà không có sự hiệp thông có nguy cơ trở thành chủ nghĩa dân túy trong Giáo hội”.
ĐTC Phanxicô nói tiếp, chúng ta phải có cả hai điều này cùng nhau: Sự hiệp hành phải dẫn chúng ta đến việc “sống hiệp thông cách mạnh mẽ hơn, trong đó sự đa dạng của các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ được kết hợp một cách hài hòa, sinh động nhờ cùng một phép rửa đã làm cho chúng ta trở thành những người con của Thiên Chúa. ”
Đức Thánh Cha kết thúc sứ điệp của mình với lời nhắn nhủ đến các thành viên của Ủy ban “hãy cẩn thận với chủ nghĩa đơn phương”. Thay vào đó, ngài mời họ hãy khuyến khích các tiến trình để giúp các tín hữu tham dự nhiều hơn, hiệu quả hơn vào trách nhiệm chung mà tất cả chúng ta phải “trở thành chính Giáo hội.”
Văn Cương, SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét