Lc 9, 51-62
"Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.
Đang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: "Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
SUY NIỆM
Thánh I-nhã, vị sáng lập Dòng Tên, khi còn trẻ đã say mê tìm kiếm những danh vọng trần gian của một hiệp sĩ Tây-ban-nha. Vào thế kỷ 16, trong một trận chiến ở Pamplona, I-nhã đã bị thương và phải trải qua một cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh. Trong những ngày dưỡng thương, nhờ đọc được cuốn sách về Cuộc Đời Chúa Ki-tô và Gương Các Thánh, I-nhã đã được ơn hoán cải và quyết tâm trở thành “hiệp sĩ của Chúa Ki-tô”. Bằng kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình, thánh nhân đã để lại cho các Ki-tô hữu con đường nên thánh bằng những nguyên tắc của “sự chọn lựa”, biết chọn Chúa trên hết mọi sự.
Những đòi hỏi của Tin Mừng luôn mời ta có câu trả lời mang tính triệt để. Chúa luôn mời gọi ta chọn Ngài và Ý muốn của Ngài trên hết mọi sự trong cuộc đời mình. Kinh nghiệm của thánh I-nhã là đặt mình trước ngưỡng cửa của sự chết, để biết mình nên chọn gì khi có những phân vân phải chọn lựa. Chúng ta có sẵn sàng để mình chọn Ý Chúa là điều quan trọng nhất trong mỗi lựa chọn của mình chưa?
TIN TỨC
1. Đức Thánh cha bác bỏ tin đồn ngài sắp từ chức
Trong buổi tiếp kiến, ngày 20 tháng Sáu vừa qua, dành cho một đoàn mười bảy giám mục Brazil về Roma viếng mộ hai thánh tông đồ và thăm Tòa Thánh, Đức Thánh cha cho biết ngài không hề nghĩ đến việc từ chức, như tin đồn và sẽ tiếp tục sứ mạng bao lâu Chúa còn cho phép.
Đức cha Roque Paloschi, Tổng giám mục giáo phận Porto Velho, cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican. Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha cũng nói đến tình trạng sức khỏe của ngài. Đức cha Lucio Nicoletto, Giám quản giáo phận Roraima, thì nhận xét rằng người ta thấy sức khỏe của Đức Thánh cha với “sự suy yếu, nhưng với một sức mạnh tinh thần rất lớn”.
Mười bảy giám mục thuộc vùng Bắc I và Đông Bắc của Brazil, bao gồm năm bang. Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha khích lệ các giám mục đương đầu không chút sợ hãi đi với những thách đố hiện nay, và tố giác những gì chà đạp các quyền căn bản của con người của các thổ dân bản địa, đồng thời quan tâm chăm sóc thiên nhiên như căn nhà chung của nhân loại.
Báo chí đưa ra giả thuyết Đức Thánh cha sẽ từ chức, có lẽ dựa trên một số sự kiện: Đức Thánh cha phải ngồi xe lăn để di chuyển, hoãn lại cuộc viếng thăm tại Cộng hòa dân chủ Congo và Nam Sudan, ngài triệu tập công nghị Hồng y vào cuối tháng Tám năm nay để bàn về Tông hiến mới điều hành giáo triều Roma, và đặc biệt ngài đến L’Aquila trung Ý để mở cửa Năm thánh, tại một nhà thờ ở đây, nơi có mộ phần thánh Giáo hoàng Celestini V, vị giáo hoàng đã từ chức.
G. Trần Đức Anh, O.P.
2. Một số nhận định của Đức Hồng y Müller về các vấn đề thời sự
Đức Hồng y Gerhard Müller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, nhận định rằng tình trạng Công giáo tại Đức hiện nay không những là một nguy cơ ly giáo, nhưng còn là một cuộc bội giáo từ từ. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người đưa tin chiều” (Corriere della sera), số ra ngày 19 tháng Sáu tại Ý, trả lời câu hỏi: “Đức Hồng y có thấy những cuộc ly giáo ở chân trời không?”, ngài đáp:
“Hơn là một cuộc ly giáo, tôi nhận thấy nguy cơ một sự bội giáo từ từ. Người ta đã thấy một số yếu tố tại Đức, với xu hướng chấp nhận chức linh mục nữ giới hoặc các cặp đồng tính luyến ái. Và tại Đức, người ta ghi nhận có sự suy sụp lớn của Giáo hội, và điều này làm cho người ta hiểu rằng đó không phải là một kiểu mẫu cho tương lai”.
Được hỏi về hiệp định ngầm giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, “Đức Hồng y có nghĩ điều này cho thấy một Giáo hội ngày càng nhìn về Đông phương hay không”? Đức Hồng y Müller đáp: “Người Trung Quốc được kêu gọi trở nên môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, nhưng họ đang sống dưới một chế độ độc tài, trong đó không có sự tôn trọng các quyền con người và các quyền tôn giáo. Cuộc đối thoại với đảng cộng sản Trung Quốc không thể chỉ bảo vệ các tín hữu Công giáo mà thôi. Cần giải thích cho giới lãnh đạo Trung Quốc rằng con người không phải là tài sản của Nhà nước, và họ đừng chỉ nghĩ đến quyền lực, nhưng cần nghĩ đến thiện ích của dân chúng. Ngoài điều đó, Giáo hội là hoàn vũ. Trong lịch sử, chúng ta đã có một sự hiện diện mạnh mẽ ở Âu châu và Mỹ châu. Nhưng lịch sử chưa chấm dứt. Tôi thấy trong tương lai sự dấn thân loan báo Tin mừng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản”.
Về viễn tượng của Giáo hội Công giáo, Đức Hồng y Müller cảnh giác rằng: “Chúng ta phải chú ý để không trở thành như một N.G.O, một tổ chức xã hội tôn giáo. Giáo hội phải ăn rễ sâu nơi Chúa Kitô và các bí tích, duy trì chiều kích siêu việt của mình. Chúng ta phải quan tâm đến sự cứu độ con người, không phải chỉ đời sống trần thế. Sứ mạng của Giáo hội là giúp sự kết hiệp của con người với Thiên Chúa. Chúng ta có thể là một đoàn chiên lớn hay nhỏ, nhưng trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải theo đường hướng của Tin mừng. Trước tiên vâng phục Chúa Kitô, và trong ánh sáng của Chúa, vâng phục thế giới”.
Đáp câu hỏi: “Trên bình diện quốc tế, Giáo hội và Đức Giáo hoàng khó có thể làm trung gian giữa ông Putin và Tây phương. Phải chăng đó là điều không thể được?”, Đức Hồng y Müller đáp:
“Chúng ta có thể đối thoại với Giáo hội Chính thống, chứ không thể đối thoại với ông Putin. Ông Putin đã năm lần nói chuyện với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhưng thật khó đối thoại với một người coi mình là một Phêrô Đại Đế (thời Nga hoàng). Ông nghĩ đến vinh quang của mình hơn là thiện ích của dân nghèo. Làm sao đối thoại với những người cộng sản đế quốc? Chúng ta phải rõ ràng và mạnh mẽ với Giáo hội Chính thống, không phải là điều dễ dàng, cả khi chiến tranh sẽ là một thảm họa đối với Nga”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
THÔNG BÁO
1. Vào lúc 07g00, sáng thứ Bảy (02.7.2022) sẽ trao MTC cho người già và bệnh nhân.
2. Vào lúc 07g00, sáng thứ Bảy (02.7.2022): rửa tội cho trẻ sơ sinh. Xin quý cha mẹ có con rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi BĐH. giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.
3. Vào lúc 4g45, sáng thứ Tư, ngày 29.6.2022, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, bổn mạng của Cha chính xứ và cha phó, xin cộng đoàn tham dự thánh lễ cầu nguyện cho 2 cha. Sau thánh lễ có làm phép ghe. (Chiều vẫn có thánh lễ như bình thường).
4. Giáo xứ xin cám ơn ghe Mỹ Quang ủng hộ giáo xứ 5 triệu đồng.
5. Đầu tháng 7, giáo xứ sẽ mở khóa học Giáo Lý hôn nhân, và Giáo lý Dự Tòng, những ai muốn theo học thì xin đăng ký tại văn phòng giáo xứ.