CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN C
Lc 6, 17. 20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả".
SUY NIỆM
Trở ngại lớn nhất khiến người ta không thể sống tinh thần nghèo khó không phải là vì ngày nay người ta có thể làm ra quá nhiều của cải, mà là vì người ta quá lệ thuộc của cải đến nỗi không thể chia sẻ cho nhau một cách quảng đại, và nhất là không thể sống trong niềm tín thác vào Chúa.
Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó”. Dĩ nhiên, nghèo khó trước hết nói về những người thiếu thốn về vật chất, người không có quyền lực, bị áp bức, bị bóc lột… Sau nữa, theo Thánh Kinh, người nghèo khó là những người luôn đặt trọn niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Khi không đặt cho mình chỗ dựa nào trong cuộc đời này, người ta mới khám phá hạnh phúc thật không thể tìm thấy ở của cải đời này mà là ở nơi Thiên Chúa. Và như thế, ngay cả những người có nhiều của cải vật chất cũng có thể trở nên nghèo khó bằng cách sống trọn niềm tín thác nơi Thiên Chúa và cảm thông chia sẻ với người đang gặp cảnh khó khăn.
TIN TỨC
1. Phong trào Vì một Thế giới Tốt đẹp hơn cử hành 70 năm thành lập
Phong trào Vì một Thế giới Tốt đẹp hơn được Đức Giáo Hoàng Piô XII thành lập vào ngày 10/02/1952, với mong muốn thế giới được tái xây dựng từ nền tảng, được biến đổi nhân văn hơn theo con tim của Chúa.
Thực tế lúc đó, thế giới, đặc biệt ở châu Âu, bị tàn phá bởi phát xít và hệ tư tưởng cộng sản. Cha Riccardo Lombardi, Dòng Tên đã đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng, đứng ra đảm trách Phong trào. Sau khi cha Lombardi qua đời (1979), Nhóm đã tổ chức lại thành các đội địa phương, khu vực và quốc gia và lấy tên là “Phong trào linh hoạt cộng đồng vì một thế giới tốt đẹp hơn”. Năm 1988, Hội đồng Toà Thánh về Giáo dân công nhận Phong trào là một Hiệp hội quốc tế của các tín hữu.
Tổng Giám đốc Phong trào Vì một Thế giới Tốt đẹp hơn viết trong một thông điệp được phổ biến hôm thứ Tư 09/02 dịp kỷ niệm 70 năm cuộc đời và sứ vụ của Phong trào: “Hôm nay, chúng tôi muốn trở thành một tổ chức năng động thiêng liêng nhằm thúc đẩy trải nghiệm về tình huynh đệ phổ quát. Chúng tôi tin tưởng và muốn đảm nhận lời mời gặp gỡ tất cả mọi người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, ở ngoại biên và là một Giáo hội hiệp hành, trong một tiến trình phân định thường xuyên”.
Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp video chúc mừng đến Phong trào. Ngài nói: “Các anh chị em thân mến, tôi muốn được gần gũi với anh chị em nhân kỷ niệm ngày thành lập Phong trào Vì một Thế giới Tốt đẹp hơn. Anh chị em đã làm việc rất nhiều trong 70 năm qua. Đó là cái nhìn về cuộc sống, về công trình tạo dựng. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nói về “sự biến đổi”, rồi ngài cũng nói đến “sự hoang dã”, một thế giới hoang dã phải nhân bản, Kitô giáo hơn, bởi vì Chúa luôn gần gũi với nhân loại. Anh chị em hãy tiếp tục, đừng nản lòng, hãy tiếp tục làm việc để tạo nên sự thay đổi này trên thế giới. Và trên hết, tôi khuyên anh chị em hãy làm việc vì công lý, vì trẻ em và người già, và vì hòa bình. Đó chính là thế giới tuyệt vời nhất mà chúng ta muốn trở thành - một thế giới hòa bình!”.
Ngọc Yến
2. Các Giám mục châu Âu phản đối tổng thống Pháp về quyền phá thai.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Ba 08/02, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Ủy ban các Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE), đại diện các Giám mục châu Âu phản đối đề xuất của ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp về việc đưa quyền phá thai vào Hiến Chương các quyền căn bản của Liên minh châu Âu.
Một trong những đề xuất được ông Macron đưa ra trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 19/01 trong cương vị chủ tịch luân phiên của châu Âu, là quyền phá thai được đưa vào Hiến Chương các quyền căn bản của Liên minh châu Âu.
Trong tuyên bố vào thứ Ba, các Giám mục bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với đề xuất này của tổng thống Pháp. Các vị mục tử nhấn mạnh: “Quyền phá thai không được công nhận trong luật châu Âu hoặc luật quốc tế. Việc cố gắng thay đổi điều này không chỉ đi ngược lại các niềm tin và giá trị cơ bản của châu Âu, nhưng còn là một luật bất công, không có nền tảng đạo đức và được coi là nguyên nhân gây ra xung đột không ngừng giữa các công dân châu Âu”.
Các Giám mục viết tiếp: “Đề xuất của tổng thống Macron không thể được coi là ‘thổi luồng sinh khí mới vào các quyền cơ bản của chúng ta’”. Và “Hội nhập châu Âu phải luôn thúc đẩy sự tôn trọng các bản sắc khác nhau và tránh áp đặt ý thức hệ”.
Và nhận thức được bi kịch và sự phức tạp của các tình huống mà các bà mẹ phải cân nhắc trong việc phá thai, các Giám mục nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết cho những phụ nữ gặp khó khăn và đứa con chưa chào đời của họ.
Tuyên bố có đoạn viết: “Chăm sóc những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hoặc xung đột trong lúc mang thai là một phần trọng tâm sứ vụ của Giáo hội và cũng phải là nghĩa vụ mà xã hội của chúng ta thực hiện”.
Ngọc Yến
THÔNG BÁO
1. Vào lúc 8h30, Chúa Nhật ngày 20.02.2022 sẽ khai giảng lớp Giáo lý Hôn nhân và lớp Giáo Lý Dự Tòng. Những ai đã đăng ký 2 lớp học này xin tham dự buổi khai giảng để biết lịch học cụ thể.
2. Chúa Nhật tới, 20.02.2022 các lớp giáo lý dành cho các em thiếu nhi bắt đầu học lại. Xin Phụ huynh có con em đang học các lớp giáo lý từ Khai tâm cho đến Thêm Sức nhắc nhở các em đi học giáo lý.
- Trong tuần này, xin các phụ huynh có con em bắt đầu học giáo lý Khai Tâm 1, mang sổ gia đình công giáo tới ghi danh tại văn phòng giáo xứ. Và đưa trẻ đến nhập học vào Chúa Nhật tới 20.02.2022 (sau lễ Thiếu Nhi).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét