Anh chị em thân mến,
Theo
niên lịch Công giáo, tháng Mười được gọi là tháng Mân Côi, vì có lễ Đức Mẹ Mân
Côi, và cũng vì muốn cổ võ việc lần hạt như phương thế sùng kính Đức Mẹ. Hòa nhịp
cùng Giáo Hội, giáo phận chúng ta hướng lời cầu nguyện về những điểm nhấn mục vụ
sau:
1. Thực hành
Kinh Mân Côi
Trong
các loại kinh phổ biến thì Kinh Mân Côi là kinh được ưa chuộng nhất. Được ưa
chuộng vì kết cấu đơn giản, bao gồm kinh
“Kính Mừng” vốn là lời chào của thiên thần Gabriel ngày Truyền Tin, kết nối với
lời mừng của bà Elizabeth ngày Thăm Viếng; và kinh “Thánh Maria” là lời nguyện
tắt đậm nét cậy trông của con người khi nhận thức thân phận tội lỗi của mình.
Được ưa chuộng cũng vìphương
cách thực hành bình dân, gần gũi với mọi người mọi tuổi; lại được lặp
đi lặp lại kiểu “tụng niệm”, theo dạng kết chuỗi tràng hạt, thích hợp cho việc
cầu nguyện cá nhân hay chung với cả cộng đoàn; đọc thành tiếng hay đọc âm thầm
đều được cả. Được ưa chuộng còn vì quy chuẩn nhẹ nhàng, không kén chọn
địa điểm hay thời gian, đọc ở đâu cũng thành và đọc lúc nào cũng nên; đọc ở nhà
thờ hay tại tư gia, đọc ở nhà ga hay trên xe khách; đọc một mạch, đọc từng phần,
miễn là sốt sắng Mẹ lành đều thương.
Nhưng Kinh Mân Côi được ưa chuộng trên hết là vì nội dung được
ví như cuốn Phúc Am rút gọn, diễn tả cuộc đời
Chúa Giêsu từ lúc nhập thể cho đến khi chịu khổ nạn rồi phục sinh vinh quang
đem ơn cứu rỗi cho hết mọi loài. Trong Kinh Mân Côi, Đức Maria hiện diện bên
Chúa Giêsu với tư cách người nữ “đầy ơn phúc”, người môn đệ chăm chú và người mẹ
thông phần, để cuối cùng Mẹ hiện diện bên các tín hữu trong cương vị là Nữ
Vương Thiên Quốc và Mẹ nhân lành hằng yêu thương cầu bầu cho mọi con cái. Vậy
trong tháng Mười này, anh chị em hãy sốt sắng thực hành việc đọc Kinh Mân Côi
và không ngừng phổ biến chuỗi kinh này đến với những người biết rằng mình có một
người Mẹ trên trời, không xa cách cuộc đời trần thế.
2. Gắn bó với Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới
(từ 4 đến 25/10/2015)
Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới (THĐ),
khóa thường lệ lần thứ XIV, bàn về “Ơn
gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”,
sẽ nhóm họp tại Rôma. Theo tài liệu làm việc (instrumentum laboris), THĐ sẽ thảo
luận theo trình tự 3 bước:1)
Lắng nghe những thách đố về gia đình trong Giáo Hội và xã hội ngày nay; 2)
Trình bày việc phân định ơn gọi của gia đình; 3) Bàn về sứ mạng của gia đình
ngày nay. Đây là khóa họp thường lệ, nhưng vì chủ đề quan trọng nên
trong giai đoạn chuẩn bị đã có nhiều dư luận thuận nghịch trái chiều, cả ở bên
trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Người kỳ vọng ở THĐ cũng lắm và kẻ chưa chi đã
phê bình THĐ cũng không ít, nhưng tín hữu tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ soi dẫn
ban ơn, để THĐ phân định và đề ra được những giải pháp tích cực, dầu tiệm tiến,
giúp cho các gia đình khắc phục được những khó khăn và thách đố, mà sẵn sàng thực
thi sứ mạng cao cả của mình trong Giáo Hội giữa lòng thế giới.
Chủ đề lớn, vấn đề đặt ra từ đó cũng không đơn giản và xuôi
chèo mát mái, nếu không muốn nói là luôn gây nhức nhối cho mọi thời đại và hiện
nay đang gây phân tán ý kiến giữa Giáo Hội và xã hội. Vì thế, tôi tha thiết xin
anh chị em chung lời cầu nguyện cho THĐ được diễn ra trong ánh sáng và hồng ân
Chúa Thánh Thần, để dù có những khác biệt về ý kiến của các nghị phụ, giữa hai
khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến như muôn thuở, THĐ luôn luôn hiệp nhất, chẳng
những vượt qua được sự xung khắc, mà ngược lại còn gặp được sự bổ sung cần thiết,
giúp cho các gia đình hôm nay can đảm sống sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng.
3. Đóng góp
trong dịp Khánh nhật truyền giáo (18/10/2015)
Truyền
giáo là sự sống của Giáo Hội, vì bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Không phải
vì có Giáo Hội nên mới có sứ mạng truyền giáo mà ngược lại, vì có sứ mạng Chúa
Giêsu trao gửi “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi
loài thọ tạo” (Mc 15,16), nên Giáo Hội mới được thành lập để liên tục
lên đường thực thi sứ mạng. Ngày nào Giáo Hội còn tha thiết với việc loan báo
Tin Mừng, ngày ấy Giáo Hội vẫn còn sức sống; nhưng nếu ngày nào Giáo Hội không
còn chăm lo phúc-âm-hóa các dân tộc, ngày ấy Giáo Hội đã đến lúc cáo chung.
Tùy theo cách nhìn của mỗi thời, việc loan báo Tin Mừng được
ghi nhận qua những tên gọi khác nhau. Có thời, Giáo Hội gọi đây là việc “truyền bá đức tin” bởi xét cho
cùng, loan báo Tin Mừng là nhằm rao giảng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa và kiến tạo
niềm tin nơi người thành tâm đón nhận. Có thời, Giáo Hội lại gọi đây là việc “truyền giáo” vì muốn nhắm đến hiệu
quả thực tiễn, là xây dựng những tín hữu mới tòng giáo thành những cộng đoàn được
tổ chức thành Giáo Hội địa phương và được chăm chút mục vụ đầy đủ. Thời nay,
Giáo Hội muốn trở về với âm vang nguyên thủy trong lệnh truyền của Chúa Giêsu,
nên gọi đây là việc “loan
báo Tin Mừng”. Trong dịp Khánh Nhật truyền giáo, xin anh chị em nhắc
nhớ nhau một mặt cầu nguyện cho công cuộc phúc-âm-hóa của Giáo Hội toàn cầu, và
mặt khác cụ thể hóa lời kinh của mình bằng việc đóng góp vật chất tùy theo khả
năng, giúp cho các các xứ truyền giáo, vốn đang cần đến sự hỗ trợ của mọi thành
phần Dân Chúa. Những đóng góp quý báu này của anh chị em sẽ được giáo phận gửi
về Bộ Rao Giảng Tin Mừng cho các Dân Tộc.
Anh chị
em thân mến, đó là điểm nhấn mục vụ trong tháng Mười. Xin cám ơn anh chị em đã
hợp sức chung lòng xây dựng Giáo Hội, cụ thể là Giáo Hội địa phương, và xin Đức
Mẹ Mân Côi thương phù hộ, ban cho anh chị em và gia đình muôn ơn lành hồn xác.
+ Giuse Vũ Duy Thống. Gm. Gp. Phan Thiết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét