Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 813

 


CHÚA NHẬT KÍNH CHÚA BA NGÔI

LỜI CHÚA: Mt 28, 16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

SUY NIỆM

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo, Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số.

Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Ngài cho biết; Chúa Cha là Thiên Chúa, còn ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, nghĩa là Ngài cùng bản tính với Chúa Cha, Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng Ngài và Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa. Một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: Là tình yêu thương. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, nghĩa là ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Cho nên, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội Không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Ngài muốn chúng ta lên đường, nói theo Con Một của Ngài: sống yêu thương nhau, vì tất cả đều là anh chị em, con cùng một Cha. Thiên Chúa hằng mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc sống của Ngài, cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, một cuộc sống của tình yêu thương, có nghĩa là Ngài kêu gọi chúng ta hãy sống hiến thân cho anh em, đừng sống ích kỷ cho riêng mình, nhưng hãy mở rộng đôi tay, mở rộng tầm nhìn, nới dài đôi chân và mở rộng tấm lòng đến với mọi người chung quanh.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bằng cách sống yêu thương nhau. Và sống yêu thương nhau là cách thế tuyên xưng mầu nhiêm Chúa Ba Ngôi.

TIN TỨC

1. Đức Thánh Cha sẽ thực hiện chuyến tông du đến Luxembourg và Bỉ vào tháng 9

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du đến Luxembourg và Bỉ vào cuối tháng 9 năm 2024. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận lời mời của các Nguyên thủ quốc gia và Giáo hội của cả hai quốc gia và sẽ thực hiện chuyến tông du đến Luxembourg vào ngày 26 tháng 9. Sau đó, ngài sẽ tới Bỉ vào cuối ngày và ở đó cho đến ngày 29 tháng 9, dự kiến Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm các thành phố Brussels, Leuven và Louvain-la-Neuve. Lịch trình đầy đủ sẽ được cung cấp sau. Đầu tháng 9, từ ngày 2 đến ngày 13, Đức Thánh Cha sẽ tông du đến Indonesia, Papua New Guinea, Timor Leste và Singapore, đây sẽ là chuyến tông du dài nhất của ngài từ trước đến nay.

2. Ngôi mộ tương lai của Đức Phanxicô, dưới chân Đức Trinh Nữ Maria

Emma Gatti, trên Aleteia ngày 15/05/24, cho hay: Tháng 12 năm ngoái, Đức Giao hoàng đã tiết lộ nơi ngài sẽ được chôn cất – không phải ở Đền Thờ Thánh Phêrô, mà ở Nhà thờ Đức Bà Cả, nơi có biểu tượng “Maria Salus populi romani” (Maria Cứu giúp Dân Rôma). Ở một góc kín đáo của Vương cung thánh đường Thánh Maria Cả, giữa những lời thì thầm cầu nguyện của Nhà nguyện Pauline và sự im lặng huyền bí, gần như không có thật của Nhà nguyện Sforza: Đây là nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn để an táng, như ngài đã tiết lộ vào tháng 12 năm ngoái. Chúng tôi tường trình từ vương cung thánh đường này ở trung tâm lịch sử của Rôma, nơi an nghỉ của bảy vị giáo hoàng và là nơi mà vị giáo hoàng người Á Căn Đình đặc biệt yêu thích. Đó là lúc kết thúc một ngày xuân có mưa ở Rôma. Tại Vương cung thánh đường Thánh Maria Cả, gần ga Termini, hàng chục du khách ngước nhìn lên để chiêm ngưỡng trần nhà sang trọng được dát vàng lá. Những bước chân lướt trên sàn đá cẩm thạch. Tiếng hát của những người hành hương Pháp thoát ra từ một nhà nguyện bên cạnh: “Hãy vui mừng, vì Ngài đã đến…”

THÔNG BÁO

1.     Vào lúc 4 giờ 45 sáng thứ Hai, ngày 27/05/2024, là lễ kính Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng, bổn mạng Giáo họ Matthêu Phượng, kính mời cộng đoàn tham dự Thánh lễ, để hiệp ý cầu nguyện cho anh chị em trong Giáo họ Matthêu Phượng.

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 812

 


CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

LỜI CHÚA: Ga 20, 19-23

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

SUY NIỆM

Nhìn lại lịch sử với những thăng trầm, với những sóng gió, với những bóng tối của Giáo hội, đôi lúc người ta tưởng chừng Giáo hội đã tàn lụi. Người ta tưởng thế gian đã chiến thắng. Có những lúc kẻ cường quyền đã đè bẹp Giáo hội bằng những sắc chỉ cấm đạo, bằng những án tử hình ghê rợn, nhưng bạo chúa nào rồi cũng qua đi. Giáo hội vẫn tồn tại. 

Vâng, Giáo hội vẫn trường tồn qua mọi thời đại dầu có phải đương đầu với bao khó khăn, bất trắc và hiểm nguy. Thiên Chúa vẫn hiện hữu giữa lòng Giáo hội. Chúa Giêsu Ngài đã chiến thắng thế gian. Ngài hứa ở cùng Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Ngài là sức mạnh của Giáo hội đến nỗi cửa hoả ngục cũng không thắng được. Ngài là thành luỹ chở che Giáo hội giữa những phong ba bão tố cuộc đời. Ngài còn ban cho Giáo hội Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong lòng Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ bù đắp lại chỗ khiếm khuyết của Giáo Hội. Chính quyền năng Chúa Thánh Thần sẽ hiển trị nơi sự yếu hèn của những phần tử trong Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ uốn nắn những tư tưởng, những đường lối lệch lạc, sai lầm của con người thuận theo thánh ý Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã từng chứng minh cho thấy: con người từng toa rập với ma quỷ để phá đổ chương trình của Chúa, nhưng Thiên Chúa đã sửa sai và làm cho tốt hơn. Điển hình là tội của Adam đã phá vỡ những điều tốt đẹp trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã biến thành Tội Hồng Phúc để ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Giuse con ông Giacop đã từng bị các anh của mình bán qua Ai Cập, nhưng đó lại là cơ hội để cứu giúp cho cả dòng tộc Giacop... Và còn, còn rất nhiều những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử để đưa lịch sử trở về với chương trình của Thiên Chúa.

Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo hội vì vẫn có bóng Thánh Thần che phủ trên hành trình Giáo hội. Giáo hội không thuộc về con người, nên cường quyền, thế quyền và thế lực của ma quỷ không thể làm cho Giáo hội biến chất hay hư hoại. Chúng ta hãy bước đi trong niềm tín thác vào Chúa, và với lòng cậy trông: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thánh hoá chúng con trong chân lý và tình thương".

TIN TỨC

VIỆT NAM-VATICAN NHẤT TRÍ TĂNG CƯỜNG TRAO ĐỔI ĐOÀN, TIẾP XÚC CẤP CAO

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao những đóng góp tích cực của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong các hoạt động thiện nguyện, giáo dục... đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Miroslaw Wachowski đã đồng chủ trì Cuộc họp thường niên Vòng XI Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã thông báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, chính sách đối ngoại và tôn giáo của Việt Nam; nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; khẳng định pháp luật về tôn giáo của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho các tôn giáo, trong đó có Công giáo hoạt động và phát triển theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao những đóng góp tích cực của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong các hoạt động thiện nguyện, giáo dục, y tế, dạy nghề... đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện đường hướng hoạt động theo các huấn từ, sứ điệp của Giáo hoàng về “sống Phúc âm giữa lòng dân tộc,” “giáo dân tốt là công dân tốt.” Bày tỏ vui mừng trở lại Việt Nam để tổ chức Cuộc họp Nhóm Công tác hỗn hợp, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski chúc mừng những thành tựu về kinh tế-xã hội, đối ngoại của Việt Nam trong thời gian gần đây; vui mừng chứng kiến sự phát triển của cộng đồng Công giáo với đời sống đức tin mạnh mẽ; nhấn mạnh Giáo hoàng Francis mong muốn cộng đồng Công giáo Việt Nam thực hiện đường hướng “giáo dân tốt là công dân tốt” và khuyến khích cộng đồng Công giáo đóng góp vào đời sống quốc gia.

Thứ trưởng Ngoại giao Miroslaw Wachowski khẳng định Giáo hoàng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam và mong muốn sớm thăm Việt Nam trong thời gian tới. Đánh giá cao quan hệ Việt Nam-Tòa thánh thời gian qua đã đạt được nhiều tiến triển nổi bật, kể từ Cuộc họp vòng X Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican (3/2023), trong không khí thân thiện, cởi mở và hiểu biết lẫn nhau, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao; duy trì cơ chế hợp tác, đối thoại, nhất là tiếp tục phát huy vai trò quan trọng Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican. Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, chính quyền các cấp và địa phương của Việt Nam đã tạo điều kiện cho các hoạt động của Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam./.

Nguồn: vietnamplus.vn

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Bà Matta Chữ Thị Phượng, sinh 1933, là bà của ông F.x Nguyễn Minh Hậu, ở giáo họ Matthêu Phượng, đã qua đời ngày 11/05/2024 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 13/05/2024 tại Nhà Thờ Chính Tòa Phan Thiết, sau đó đưa an táng tại nghĩa trang Vinh An.

Ông Phêrô Nguyễn Minh Cường, sinh 1977, là chồng của bà Matta Nguyễn Thị Thu Thảo, ở giáo họ Matthêu Phượng, đã qua đời ngày 14/05/2024 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 16/05/2024 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa đi hỏa táng.

Bà Maria Maria Trịnh Thị quyền, sinh 1953 là mẹ của ông F.x Lê Dũng, ở giáo họ Simon Hòa, đã qua đời ngày 14/05/2024 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 17/05/2024 tại Nhà Thờ Chính Tòa, sau đó đưa an táng tại nghĩa trang Phú Hài.

Giáo xứ xin chia buồn cùng các gia đình tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Matta, linh hồn Phêrô, linh hồn Maria mau về hưởng tôn nhan Chúa.

THÔNG BÁO

1. Vào lúc 4h45 sáng thứ Hai, ngày 20/05/2024 là lễ giỗ của Cha cố Giuse Nguyễn Viết Cư. Xin Cộng đoàn cùng tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Cha cố Giuse Nguyễn Viết Cư.

2. Vào lúc 4h45 sáng thứ Ba, ngày 21/05/2024 là lễ giỗ của Cha cố GB. Trương Văn Hiếu. Xin Cộng đoàn cùng tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Cha cố GB. Trương Văn Hiếu.

3. Chiều thứ Bảy, ngày 25/05/2024, Sau Thánh lễ, sẽ có rước kiệu dâng hoa bế mạc kính Đức Mẹ. Xin mời cộng đoàn cùng tham dự để hiệp ý cầu nguyện cho Giáo xứ, cho gia đình và những người thân của mình.

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 811

 


CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH

CHÚA THĂNG THIÊN

LỜI CHÚA: Mc 16, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

SUY NIỆM

Hôm nay Chúa về trời đó là niềm vui và là niềm hy vọng cho hành trình cuộc đời chúng ta. Các môn đệ cảm thấy lòng trào dâng niềm vui. Xa xăm nơi cuối chân trời chỉ còn vang vọng lời Thầy chí Thánh Giêsu: “Anh em hãy làm chứng nhân cho Thầy”.

Mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta không phải chỉ đăm đăm ngước mắt nhìn về trời để nuối tiếc, nhưng được mời gọi đón nhận sứ mệnh rao giảng Tin mừng bằng đời sống chứng tá vào môi trường mình đang sống, để từ nay u sầu sẽ gặp niềm vui, những đau khổ đời này không còn làm cho con người thất vọng, nhưng ánh vinh quang phục sinh của Chúa đã mang lại niềm hy vọng và lạc quan cho cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu đặt hết niềm tin tưởng nơi chúng ta, Chính Người soi lối mở đường cho chúng ta, để rồi sau khi chu toàn bổn phận của mình nơi trần gian này, chúng ta cũng sẽ trở về trời với Chúa của mình. Nơi chính Người đã đi trước để dọn chỗ cho những ai tin theo Người. Mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời gắn liền với lệnh truyền rao giảng việc sám hối và ơn tha tội cho mọi dân tộc. Người nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt”. Như thế, việc rao giảng Tin mừng không còn là một việc mơ hồ viễn vông, nhưng là một việc hết sức cụ thể, dẫn tới thái độ vâng giữ những giới luật của Chúa.

Nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta đang khi hướng lòng về trời cao cũng biết chu toàn sứ mạng nơi trần thế trong niềm hân hoan, để sau khi trải qua cuộc đời chóng qua này chúng ta sẽ được vào chung hưởng hạnh phúc vinh quang với Người trên quê trời.

TIN TỨC

1. Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị kỷ niệm 350 năm Chúa hiện ra tại Paray-le-Monial

Sáng ngày 04 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị, nhân dịp kỷ niệm 350 năm Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margarita Maria Alacoque, tại Paray-le-Monial bên Pháp. Năm Thánh kỷ niệm này đã được khai mạc ngày 27 tháng Mười Hai năm ngoái (2023) và kéo dài một năm rưỡi, cho đến ngày 25 tháng Sáu năm tới, 2025. Trong các cuộc hiện ra đó, Chúa truyền cho thánh nữ Margarita cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và đền tạ Thánh Tâm, vì những xúc phạm do tội lỗi con người gây ra cho Chúa. Hội nghị kỷ niệm tiến hành từ ngày 01 đến ngày 05 tháng Năm này ở Rôma và xoay quanh vấn đề: “Lời kêu gọi của Chúa Giêsu ‘hãy đền tạ’ có còn thời sự hay không? Tái dành chỗ cho việc đền tạ mà Chúa Giêsu đưa ra tại Paray-le-Monial và nêu rõ tính thời sự của mạc khải này, trong bối cảnh hiện nay với khủng hoảng do nạn lạm dụng gây ra trong Giáo hội. Hiện diện trong buổi tiếp kiến, cũng có Đức Cha Benoit Rivière, Giám mục Giáo phận Autun, nơi có Đền thánh Paray-le-Monial và cha Louis Dupont, Giám đốc Đền thánh này.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu nguyện để dịp Năm Thánh của anh chị em kính Thánh Tâm Chúa Giêsu khơi dậy nơi bao nhiêu tín hữu hành hương lòng yêu mến biết ơn nồng nhiệt hơn đối với Chúa Giêsu và để Đền thánh tại Paray-le-Monial ngày càng trở thành nơi an ủi và thương xót đối với mỗi người khi đến tìm kiếm an bình nội tâm”.

2. Sau khi đoạt giải vô địch, đội trưởng đội bóng chuyền gia nhập đan viện

Sau khi cùng đội bóng chuyền đoạt giải vô địch tại Pháp, một cầu thủ nổi tiếng đã xin gia nhập Đan viện. Đó là anh Ludovic Duée, 32 tuổi, đội trưởng đội bóng chuyền St-Nazaire ở miền Bretagne bên Pháp, đã thắng đội Tours trong trận đấu hôm Chúa nhật, ngày 28 tháng Tư vừa qua, và đã tuyên bố giã từ sự nghiệp thể thao, để gia nhập Đan viện Mẹ Thiên Chúa, ở làng Lagrasse, theo tu luật thánh Augustinô, thuộc Giáo phận Carcassonne miền nam Pháp.

Anh Ludovic Duée, cao 1 mét 92, đã chơi trong nhiều đội bóng chuyền ở Pháp, và từng vô địch Âu châu lứa tuổi U19, rồi với đội bóng Bleuets năm 2019, và vô địch Pháp năm 2012 về bóng chuyền bãi biển (beach-volley). Anh kể với báo Ouest France rằng: “Tôi xuất thân từ một gia tấn Công Giáo thực hành đạo, nhưng tôi chỉ hài lòng với những gì tối thiểu trước thời đại dịch Covid-19”. Lúc đó, anh chơi trong đội bóng ở thành phố Narbonne, nam Pháp. “Trong thời kỳ bị cô lập ấy, tôi bị kẹt ở nhà, không có hoạt động nào. Tôi hồi niệm và bấy giờ tôi may mắn được gặp cộng đoàn các kinh sĩ ở Đan viện Lagrasse, không xa Narbonne. Các cha các thầy thật là tuyệt vời trong việc đón tiếp. Họ trả lời tất cả những câu hỏi của tôi về đức tin, nghĩa là thay vì Thiên Chúa như người Cha đe dọa, sẵn sàng trừng phạt, tôi tiến đến một Thiên Chúa yêu thương”. Từ đó, mối tương quan của anh với Thiên Chúa thay đổi.

3. Bảy giám mục Pháp hành hương đi bộ để cầu nguyện cho ơn gọi

Hôm 28 tháng Tư vừa qua, bảy giám mục thuộc bảy giáo phận trong Giáo tỉnh Reims, ở miền tây bắc nước Pháp, đã bắt đầu cuộc hành hương đi bộ năm ngày để cầu nguyện cho ơn gọi. Mỗi giám mục hành hương qua lãnh thổ giáo phận thuộc quyền để họp nhau tại thành phố Reims, thủ phủ của Giáo tỉnh, vào thứ Bảy, ngày 04 tháng Năm này, cũng là ngày giáo phận cầu nguyện cho ơn gọi. Đức Cha Éric de Moulins-Beaufort, Tổng giám mục Giáo tỉnh Reims, và cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, khởi hành từ biên giới giáo phận thuộc quyền, giáp giới với nước Bỉ. Trong cuộc hành hương này, ngài sẽ dừng lại tại Đan viện thánh nữ Clara, và Đan viện nữ Cát Minh, cũng như tại Đền thánh Đức Mẹ ở Neuvizy. Ông Benedicte Cousin, phát ngôn viên Giáo phận Reims nói rằng Đức Tổng Giám Mục hy vọng các tín hữu, từ các giáo xứ của ngài sẽ cùng đi những đoạn đường trong cuộc hành hương. Như thế, cuộc hành hương cũng là dịp để các giám mục gặp gỡ dân chúng trong giáo phận thuộc quyền. Tuy nhiên, mục đích chính của sáng kiến chưa từng đó này là để gây ý thức nơi các tín hữu về việc cầu nguyện cho ơn gọi.

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 810

 


CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

LỜI CHÚA: Ga 15, 9-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau”.

SUY NIỆM

Hai từ “yêu thương” đã quá quen thuộc với con người, cách riêng với Kitô hữu. Tình yêu là một đề tài vừa phong phú, vừa hấp dẫn của văn chưong, nghệ thuật, phim ảnh… và luôn mang tính thời sự, nhưng bản chất tình yêu thì trước sau như một. Biết rằng chúng ta phải yêu thương nhau nếu muốn sống như con người, thế nhưng thử hỏi thế nào là yêu thương thì quả thật không dễ trả lời cách rõ ràng và có tính thuyết phục.

Yêu thương là không chỉ muốn điều tốt cho người mình yêu mà còn thể hiện ước muốn ấy bằng hành vi cụ thể, thực tế. Đã yêu thì không đợi “con khóc mẹ mới cho bú”. Thánh Kinh trình bày Thiên Chúa là Đấng luôn đi bước trước trong việc thể hiện tình yêu với con người. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định rằng Đức Kiô đã chết vì chúng ta, cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch cùng Người. Sống yêu thương thì không thể ngồi chờ. Vẫn có đó những lý lẽ để bào chữa rằng chưa đủ tài, chưa đủ lực hay chưa đến lúc đến thời. Đã yêu thương thì luôn có đó những việc phải thực hiện, ngay hôm nay và chúng sẽ không ở ngoài tầm tay của chúng ta. Nhiều người nói rằng mình yêu thương khi sẵn sàng cho đi tiền bạc và cả thời giờ, nhưng lại không chịu được khi bị mất một chút danh dự hay uy quyền, chưa kể là chính mạng sống. Cho đi chút tiền của, quả là không dễ, vì đồng tiền dính liền khúc ruột. Cho đi ít thời giờ, cũng không mấy dễ, vì thời giờ là vàng bạc. Còn cho đi cái phẩm vị, cái danh dự của mình, thì dường như là quá khó, vì đó chính là bản thân tôi. Thế nhưng, nếu không vượt qua cái khó này thì đừng nói chuyện yêu thương.

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đây là lệnh truyền, là giới răn mới của Thầy Chí Thánh. Để thực sự là môn đệ của Người, chúng ta không thể xao lãng hay tránh né nó (x.Ga 13,35). Xin đừng yêu nhau bằng môi miệng nhưng hãy can đảm vác thập giá hằng ngày để có sáng kiến, đi bước trước trong việc thực hiện điều tốt đẹp, tốt đẹp nhất cho người mình yêu thương và cho cả những người không yêu thương mình.

TIN TỨC

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

THƯ MỤC VỤ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA

Anh chị em thân mến,

Chúng tôi, các giám mục tham dự Hội nghị thường niên kỳ II năm 2023 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận (TTMV TGP) Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh, xin gửi đến anh chị em lời chào thân ái và tình hiệp thông trong Chúa Kitô.

Qua thư này, chúng tôi đề nghị anh chị em tiếp tục sống tình hiệp thông, đồng thời mời gọi anh chị em thực hiện chương trình đã đề ra cho năm 2024 là Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội.

1 - Nền tảng của sự tham gia

Tham gia là một trong ba yếu tố căn bản của Giáo hội hiệp hành. Ở đó, mọi người đều bình đẳng, cộng tác tùy theo ơn gọi của mình và phục vụ lẫn nhau qua các ân huệ đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần. Việc tham gia xây dựng Giáo hội là sứ mạng tự bản chất của người Kitô hữu. Qua Bí tích Thanh tẩychúng ta cùng chung một phẩm giá là con Thiên Chúa, thành viên của gia đình Giáo hội, anh chị em trong Đức Kitô, cùng tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người. 

2 - Tầm quan trọng của sự tham gia

Như anh chị em đã biết, Giáo hội công giáo hoàn vũ đang cử hành Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI với chủ đề Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Trong tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng, mọi thành phần Dân Chúa đều được mời gọi nói lên những ưu tư và kỳ vọng của mình. Hai giám mục Việt Nam được Đức Thánh Cha bổ nhiệm sẽ tham dự phiên họp Đại hội của Thượng Hội đồng tại Rôma vào tháng Mười năm nay. Các ngài đại diện cho Dân Chúa tại Việt Nam, đóng góp ý kiến trong tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông sâu xa với Giáo hội hoàn vũ.

Tại Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống và cách hiểu giáo lý chưa đúng, một số giáo dân sống đức tin thụ động và dửng dưng với những hoạt động của cộng đoàn địa phương. Với họ, đời sống đức tin chỉ bao hàm trong việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Do đó, thúc đẩy sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội tại Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết.

- Những đề nghị

Một cách cụ thể, chúng tôi muốn nhắn nhủ và mời gọi anh chị em nhiệt tình và chủ động tham gia xây dựng Giáo hội ngay chính nơi mình đang sống và làm việc.

- Anh em linh mục hãy ý thức chức tư tế thừa tác mà mình được lãnh nhận là để phục vụ chức tư tế cộng đồng do Bí tích Rửa tội. Cả hai chức tư tế, theo cách thức riêng của mình, đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô. Do đó, các chủ chăn có chức thánh phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội. Các ngài cần sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ, tín cẩn giao phó công tác để họ phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động, hơn nữa, cũng nên khuyến khích và tạo điều kiện để họ đảm nhận những công việc do chính họ khởi xướng (x. LG 37).

- Anh chị em tu sĩ là những người đang sống theo ba lời khuyên Phúc âm, như dấu chỉ sự hiện diện của Nước Trời giữa trần gian, đồng thời dấn thân vào mọi môi trường của xã hội, như muối và ánh sáng giữa đời.

- Anh chị em giáo dân hãy ý thức về sứ mạng và vai trò của mình trong Giáo hội. Nhờ phẩm giá chung do phép Rửa tội, anh chị em là những người đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội. Anh chị em không những thuộc về Giáo hội mà là Giáo hội (x. Christifideles laici, số 9). Do đó, hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục để xây dựng Giáo hội và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa đời.

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

Bà Matta Nguyễn Thị Phong, sinh 1938 tại Quảng Bình, là mẹ của ông Giuse Phê-rô Trần Thanh Long, ở giáo họ An-rê Trông, đã qua đời ngày 30/04/2024 tại Phan Thiết. Lễ an táng lúc 4g45 ngày 03/05/2024 tại Nhà Thờ Chính Tòa Phan Thiết, sau đó đưa an táng tại nghĩa trang Thành Phố Phan Thiết. Giáo xứ xin chia buồn cùng tang quyến và hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Matta mau về hưởng tôn nhan Chúa.

THÔNG BÁO

1.       Vào lúc 4h45 sáng thứ Hai, ngày 06/05/2024 là lễ giỗ của Đức cố Giám Mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi. Sẽ được Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng Giám Mục Giáo Phận Chủ tế Thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa Phan Thiết. Xin Cộng đoàn cùng tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Đức cố Giám Mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi.

2.         Tiền quyên góp cho ơn Thiên Triệu của giáo xứ chúng ta trong dịp lễ (Chúa Chiên Lành) vừa qua là 30.000.000 đồng.

3.         Danh sách ủng hộ Giáo xứ:

Chị Xuân ở Mỹ  10.000.000 đồng