Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 801

 


CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

LỜI CHÚA: Mc 9, 1-9

Khi ấy, Chúa Giê-su đưa Phê-rô, Gia-cô-bê, và Gio-an đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Ê-li-a và Mô-sê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giê-su. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giê-su rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Mô-sê, và một cho Ê-li-a”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giê-su với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giê-su ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Suy niệm

Chúa Giêsu biến hình hôm nay là một biến cố lạ kỳ đối với các môn đệ. Một người Thầy mà các ông đã gần gũi, từng chia sẻ buồn vui sao giờ lại trở nên vinh hiển đến khó tả? Tin Mừng chỉ nói dung mạo Ngài khác thường, áo Ngài trở nên trắng tinh. Với cách diễn tả rất vắn tắt cuộc hiển dung của Chúa Giêsu, Tin Mừng dẫn người nghe đến ý nghĩa cần thiết: Chúa Giêsu đang chuẩn bị cho cuộc khổ nạn của mình tại Giêrusalem, vinh quang Ngài tỏ ra trong phút chốc gieo cho môn đệ một niềm tin trước một biến cố đau buồn sắp xảy ra.

Cuộc biến hình của Chúa Giêsu mang lại cho các tông đồ niềm hy vọng và là một lời khích lệ cho các tín hữu. Đời sống của chúng ta tuy còn khó khăn, khổ cực, còn nhiều gánh nặng nhưng tất cả sẽ trở nên giá trị cứu độ khi ta biết thông phần với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Nếu ta chấp nhận khốn khó cùng Đức Kitô thì chắc chắn chúng ta cùng được hưởng vinh quang như Người. Cùng với ba môn đệ xưa kia, ta ý thức rằng con đường Thập giá hoàn toàn khổ nhục nhưng đằng sau đó là vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban cho ta. Trong niềm mong chờ được hưởng vinh quang mỗi kitô hữu phải để Lời Chúa hướng dẫn từng ngày. Lời phán dạy của Chúa Cha ” Hãy vâng nghe lời Người ” như là điều kiện tiên quyết mà người môn đệ phải có. Khi ta để lời Chúa hướng dẫn, khi sống theo Chúa Kitô thì người tín hữu mới thoát khỏi cảnh hoang mang sợ hãi. Chính khi chấp nhận đau khổ cùng Chúa Kitô chúng ta mới được hưởng vinh quang cùng với Ngài. Vinh quang không xuất hiện vì chính nó, nhưng nó xuất hiện để khoát lên một vẽ đẹp rực rỡ cho những công việc bình thường mà chúng ta thực hiện trên con đường theo Chúa Kitô.

Nguyện xin Chúa ban thêm sức cũng như lòng tin nơi mỗi người chúng ta để cuộc đời của chúng ta dẫu thế nào đi chăng nữa cũng biết vâng nghe theo lời Chúa nói với chúng ta để chúng ta cũng như các môn đệ xưa hăng hái đi theo Chúa cho đến cuối cuộc đời dẫu cuộc đời của chúng ta còn nhiều chông gai, còn nhiều cạm bẫy.

Tin tức

Ba ý tưởng chính cho chúng ta suy nghĩ và đem ra thực hành trong Mùa Chay.

1. Thánh giá

Trong Mùa Chay, mọi người chúng ta phải chú ý đặc biệt nhìn lên Thánh Giá để tìm hiểu thêm ý nghĩa hùng hồn mà Thánh Giá muốn nói với chúng ta. Khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta không chỉ nhớ lại những biến cố đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm mà còn đón nhận một bài học cho thời đại chúng ta, cho người ngày nay vì “Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay và muôn đời vẫn là một” (Dt 13,8). Thánh Giá của Người là một lời kêu mời mạnh mẽ thúc giục chúng ta ăn năn hối cải và thay đổi đời sống, vì chính Người đã bằng lòng chịu chết treo trên cây Thập Tự để cứu chuộc chúng ta, để biến đổi chúng ta từ tình trạng là những kẻ thù nghịch với Thiên Chúa trở nên con cái và thừa hưởng gia nghiệp muôn đời. Cho nên, chúng ta phải coi lời kêu gọi này là gửi đến cho mỗi người và mọi người nhân dịp Mùa Chay. Nói khác đi, sống Mùa Chay có nghĩa là nhờ Chúa Giêsu mà thay đổi đời sống và qui hướng về Thiên Chúa.

2. Cầu nguyện

Ý tưởng thứ hai là cầu nguyện. Trong Tin Mừng, rất nhiều lần Đức Giêsu nói đến cầu nguyện và gắn liền cầu nguyện với thay đổi đời sống. Phải cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa mới mong thay đổi được đời sống, vì nhờ cầu nguyện, con người chúng ta được lay động thức tỉnh, từ đó nhìn ra những điều cần phải thay đổi trong đời sống của mình mà ăn năn hối cải. Trong Mùa Chay, chúng ta phải cầu nguyện, cố gắng cầu nguyện, tìm thời giờ và những nơi để cầu nguyện. Cầu nguyện đưa chúng ta ra khỏi thái độ dửng dưng và làm cho chúng ta nhậy cảm với những điều có liên quan đến Chúa và các linh hồn. Cầu nguyện cũng giáo dục lương tâm chúng ta và Mùa Chay rất thích hợp cho công việc này. Trong Mùa Chay, Hội Thánh nhắc bảo chúng ta phải xưng tội để lương tâm được trong sạch mà sống mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, không phải trong phụng vụ mà thôi nhưng trong cả tâm hồn nữa.

3. Ăn chay, chia sẻ

Làm phúc, bố thí và ăn chay là những phương thế liên hệ mật thiết với nhau để giúp chúng ta ăn năn hối cải. Ăn chay không chỉ có nghĩa là bớt ăn hay không ăn mà còn có nghĩa là thắng mình, là đòi hỏi với chính mình, sẵn sàng từ chối ăn uống và chấp nhận hy sinh những vui thích. Và làm phúc có nghĩa là chia vui sẻ buồn với người khác, giúp đỡ người ta, nhất là những ai lâm cảnh thiếu thốn, phân phát cho người ta không nguyên của cải vật chất mà cả tinh thần nữa. Chính vì thế, chúng ta phải tỏ ra cởi mở đối với người khác, biết nhận ra những nhu cầu của họ và cảm thông những nỗi đau buồn của họ, đồng thời tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó và làm cho những nỗi đau thương của họ vơi nhẹ đi.

Như vậy, cầu nguyện để kết hợp với Thiên Chúa đồng thời cũng hướng chúng ta tới tha nhân. Khi chúng ta đòi hỏi đối với bản thân và quảng đại đối với tha nhân, nhất là đối với những ai đau khổ và thiếu thốn là chúng ta sống kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và bị đóng đinh vì Người tự đồng hóa với họ như Người nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” (Mt 25, 35-36).

Trong Mùa Chay, chúng ta thường nghe đọc: “Đây là lúc Chúa thi ân, đây là ngày Chúa cứu độ." Vậy chúng ta hãy tận dụng thời gian này vì là thời thuận tiện và là thời Chúa ban ơn để chúng ta sám hối và tin vào Tin Mừng như Chúa dạy: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào tin Mừng” (Mc 1, 15).

THÔNG BÁO

1.      Vào lúc 4h45 sáng thứ sáu, ngày 01/03/2024 là lễ giỗ của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống. Sẽ được Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng Giám Mục Giáo Phận Chủ tế Thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa Phan Thiết. Xin Cộng đoàn cùng tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho Đức cha Giuse Vũ Duy Thống.

2.      Khóa Giáo lý Hôn Nhân và Dự Tòng mới, sẽ khai giảng vào vào tối thứ 6 vào lúc 7h15 ngày 01/03/2024 tại Hội Trường Giáo Xứ Chính Tòa. Những ai có nhu cầu học các lớp giáo lý này, vui lòng liên hệ ghi danh ở Văn phòng Giáo xứ. Những người ngoài giáo xứ, cần có giấy giới thiệu của cha chánh xứ, nơi gia đình mình đang cư trú. Sau khai giảng sẽ không nhận ghi danh nữa.

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẤN SỐ 800

 

CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 1, 29-39

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

SUY NIỆM

“Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Thế nhưng, truyền thống đó đang mất dần trong thế giới hôm nay. Một thế giới ích kỷ và hưởng thụ. Một thế giới mà người ta dường như chỉ biết lo cho bản thân mình. Người ta sẵn sàng vì quyền lợi của mình mà chà đạp lên người khác. Con người hôm nay chỉ nghĩ đến mình nên nhẫn tâm bỏ rơi đồng loại trong khổ đau và tuyệt vọng. Sống bên nhau, nhưng thương nhau thì ít mà đầy đoạ nhau thì nhiều. Sống với nhau nâng đỡ nhau thì ít mà loại trừ nhau thì nhiều.

Phải chăng khi người ta đề cao vật chất thì tình người lại bị coi thường và chà đạp? Dường như là vậy. Nhiều người quá đau khổ vì không tìm được sự nâng đỡ cùa anh em trong những lúc gian nan. Nhiều người quá tuyệt vọng vì sự lạnh lùng, thờ ơ và bỏ rơi của gia đình và bạn bè. Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giêsu. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà mẹ vợ Phêrô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Cả ngày dường như Ngài chẳng nghỉ ngơi. Ngài đã dùng cả thời giờ của một ngày để phục vụ cho lợi ích tha nhân. Vâng, nếu cuộc đời hôm nay có nhiều tấm lòng vị tha như Chúa, thì dòng đời sẽ không còn những cái khổ triền miên. Nếu cuộc đời ai cũng biết có trách nhiệm với nhau, sẽ không còn những nỗi đau của cô đơn và tuyệt vọng. Vẫn còn đó những người chồng, người vợ đang tuyệt vọng vì đời sống thiếu trách nhiệm của người bạn đời. Vẫn còn đó những người con mặc cảm, tủi hận vì cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Vẫn còn đó tiếng khóc than cho phận số nghèo đói, bệnh tật, già nua đang bị anh em đồng loại bỏ rơi.

Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta.

TIN TỨC

1.CHÀO ĐÓN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI 

ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRÚ CỦA TOÀ THÁNH VATICAN TẠI VIỆT NAM

WGPHN (31.01.2024) - Như tin đã đưa, ngày 23/12/2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Theo chương trình, ngày 31/01/2024, Đức TGM Đại diện Tòa Thánh đã đến Việt Nam sau khi được bổ nhiệm.

Vào lúc 15h25, Đức TGM Marek đã đáp chuyến bay từ Singapore tới Việt Nam. Đón tiếp ngài tại sân bay Nội Bài có Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN); Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên, phó chủ tịch HĐGMVN; cha Giuse Đào Nguyên Vũ, chánh văn phòng HĐGMVN và cha Giuse Tạ Minh Quý, thư ký Giáo tỉnh Hà Nội. Kế đó, các ngài trở về Tòa Tổng Giám mục (TGM) Hà Nội trong sự chào đón nồng hậu của quý Đức Cha thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, quý cha, quý sơ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, dòng thánh Phaolô thành Chartres và anh em ứng sinh tại Tòa TGM. Đại diện cho HĐGMVN, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng đã bày tỏ niềm vui khi được chào đón vị Đại diện Tòa Thánh trong một cương vị mới. Đồng thời, Đức TGM Giuse cũng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với ngài trong chặng đường kế tiếp. Đáp từ, Đức TGM Marek Zalewski cám ơn sự đón tiếp của quý Đức cha Giáo tỉnh Hà Nội, quý cha, quý sơ và mọi người hiện diện. Ngài nói rằng, tôi hiện diện ở đây là để phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam. Sau những giờ phút thăm hỏi, Đức TGM Marek cùng dự bữa tiệc huynh đệ với quý Đức Cha và sẽ đến nhận văn phòng tại tòa nhà Pan Pacific, số 01 đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội.

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org (31.01.2024)

2.      CHƯƠNG TRÌNH THÁNH LỄ XUÂN GIÁP THÌN 2024

BA MƯƠI TẾT 

Sáng: 4h45 - Thứ sáu - 09/02/2024 THÁNH LỄ TẠ ƠN CUỐI NĂM

Tối:   8h30 thứ sáu - 09/02/2024 - THÁNH LỄ GIAO THỪA (Hái Lộc Lời Chúa)

Ø  MỒNG MỘT TẾT - CẦU BÌNH AN TRONG NĂM MỚI

Sáng:   5h00 thứ 7 – 10/02/2024 – Thánh Lễ Minh Niên

Chiều: 5h00 thứ 7 – 10/02/2024 – Thánh Lễ Minh Niên

Ø  MỒNG HAI TẾT - KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ

Sáng:   5h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Mừng Thọ Và Lễ Gia Tiên

            7h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Thánh Lễ

Chiều: 5h00 Chúa Nhật – 11/02/2024 – Thánh Lễ

                                  (Lưu ý: Không có lễ 7h00 Tối Chúa Nhật)

Ø  MỒNG BA TẾT – XIN CHÚA THÁNH HÓA CÔNG ĂN - VIỆC LÀM

Sáng:   5h00 Thứ Hai – 12/02/2024 – Thánh Lễ

Chiều: 5h00 Thứ Hai – 12/02/2024 – Thánh Lễ

Ø  MỒNG NĂM TẾT – LỄ TRO (Giữ Chay Và Kiêng Thịt)

Sáng:   5h00 Thứ Tư – 14/02/2024 Lễ Tro (Do Đức Giám Mục Giáo

Phận Chủ Tế)

Chiều: 6h00 Thứ Tư – 14/02/2024 Lễ Tro

THÔNG BÁO

1/  Tối Thứ Hai, vào lúc 7h30 ngày 05/02/2024, nhằm ngày 26 tết. Kính mời Giới Hiền Mẫu Giáo xứ Chính Tòa họp tại Hội trường Giáo xứ. Xin mọi người chúng ta đi đúng giờ và đông đủ để buổi họp được tốt đẹp.

2. Chương trình Thánh Lễ trong những ngày tết được đăng trong bản tin và dán trước tiền sảnh nhà thờ, xin mọi người xem và ghi nhớ để tham dự Thánh Lễ.

3/  Danh sách ủng hộ người nghèo và ủng hộ Giáo xứ:

1.        Salon Phú sơn ủng hộ người nghèo               1 tấn gạo

2.        Một ân nhân ủng hộ người nghèo                  100 USD

3.        Chị Xuân ở Mỹ ủng hộ người nghèo  200 chai nước mắm

4.       Anh chị Văn-An ở Gh. Giuse Thị ủng hộ người nghèo 34 thùng nước mắm ngon.

5.        Chị Hạnh ở Gh. Matthêu Phượng ủng hộ Gx. 1.000.000 đ