GIÁO XỨ CHÍNH TOÀ

Giáo Phận Phan Thiết

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

CHÍNH TOÀ PHAN THIẾT

About us

HẰNG TUẦN, BẤM VÀO MỤC AUDIO BÊN PHÍA TAY PHẢI CÁC BẠN ĐỂ NGHE VÀ HỌC HỎI KINH THÁNH

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 838

 


CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mt 10, 17-22

 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết.

Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói gì; vì chưng không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.

Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét; nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”.

            SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã báo trước cho các tông đồ rằng sẽ có bách hại, bắt bớ, và thử thách: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ.” Thật vậy, con đường theo Chúa không chỉ đầy hoa hồng mà còn đầy thập giá, đòi hỏi lòng kiên định và sức mạnh của niềm tin.

Các thánh tử đạo Việt Nam là những chứng nhân sống động của Tin Mừng. Họ bị bắt bớ, tra tấn, và chịu tử hình chỉ vì một lý do duy nhất – không chối bỏ Đức Kitô. Những người này có thể đã sống một cuộc đời bình thường như bao người khác, nhưng khi đối diện với thử thách đức tin, họ không lùi bước. Nhờ ân sủng của Chúa và sức mạnh của Thánh Thần, các ngài đã vượt qua nỗi sợ hãi, khẳng định đức tin một cách can đảm.

Chúa Giêsu khuyên các tông đồ đừng lo lắng về những gì phải nói khi bị bắt bớ, vì Thánh Thần sẽ nói thay cho họ. Cũng vậy, các thánh tử đạo đã sống trong niềm tin tuyệt đối vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong những thời khắc khó khăn, Thánh Thần đã trở thành nguồn sức mạnh, là Đấng ban ơn can đảm và khôn ngoan để họ đối diện với các thử thách.

Chúng ta cũng được mời gọi sống trong niềm tin phó thác vào Thánh Thần, đặc biệt khi đối mặt với những nghịch cảnh, thử thách trong cuộc sống. Hãy để Thánh Thần là Đấng hướng dẫn, nâng đỡ, và dạy chúng ta biết cách làm chứng cho đức tin bằng chính đời sống của mình.

Lời Chúa nhắc nhở: “Ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ.” Các thánh tử đạo đã kiên trì đến phút cuối cùng, chấp nhận mọi sự đớn đau để trung thành với Chúa. Câu nói này là một lời nhắc nhở chúng ta rằng, cuộc sống đức tin không chỉ cần niềm tin mạnh mẽ, mà còn đòi hỏi sự bền đỗ, lòng trung thành vượt qua mọi gian nan.

Trong cuộc sống hiện đại, có khi chúng ta dễ dàng bị cuốn vào những cám dỗ vật chất và những bận rộn của cuộc sống. Câu chuyện của các thánh tử đạo là một lời mời gọi chúng ta nhìn lại lòng trung thành của mình với Chúa. Chúng ta có sẵn lòng từ bỏ những thú vui thế gian, sẵn lòng hy sinh, và kiên định trong đức tin hay không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin ban cho chúng con lòng can đảm để sống đức tin vững vàng giữa cuộc đời đầy thử thách này. Xin giúp chúng con luôn biết phó thác vào Chúa Thánh Thần, để trong mọi hoàn cảnh, chúng con vẫn trung thành và kiên trì theo Chúa đến cùng. Amen.

            TIN TỨC

ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM MỘT LINH MỤC VIỆT NAM LÀM GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN MELBOURNE, AUSTRALIA

Ngày 08 tháng Mười Một năm 2024, Đức Thánh cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Gioakim Nguyễn Xuân Thinh làm Giám mục hiệu tòa Madauro, Phụ tá Tổng giáo phận Melbourne, bên Australia.

Đức cha Nguyễn Xuân Thinh năm nay 51 tuổi, sinh ngày 03 tháng Giêng năm 1973, tại Sài Gòn, là người con thứ mười một trong gia đình gồm mười ba anh chị em. Đức cha di cư sang Australia năm 13 tuổi, theo học tại Đại học Victoria và đậu Cử nhân ngành kỹ sư, năm 1995.

Sau đó, thầy Nguyễn Xuân Thinh gia nhập Đại chủng viện Corpus Christi, năm 1999 và thụ phong linh mục ngày 16 tháng Chín năm 2006, khi được 33 tuổi. Cha lần lượt làm cha phó tại hai xứ đạo, trước khi làm tuyên úy Đại học Melbourne, rồi làm cha sở giáo xứ Bennettswood, từ năm 2020; năm 2022, cha làm điều hợp viên Văn phòng về đời sống và sứ vụ giáo sĩ.

Tại Australia, đã có một giám mục người Việt, là Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, 63 tuổi, Dòng Phanxicô Viện Tu, đã từng làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Melbourne, từ năm 2011 đến 2016, rồi làm Giám mục Giáo phận Parramatta..

ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC TÍN HỮU TÁI KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP CỦA KINH MÂN CÔI

Đức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi trên đây, hôm 10 tháng Mười Một vừa qua, trong sứ điệp gửi đến Đức Tổng giám mục Tommaso Caputo, Giám quản Giám hạt kiêm Đại biểu Tòa Thánh tại Đền thánh Đức Mẹ Mân côi ở Pompeii, cách Roma khoảng 200 cây số về hướng nam, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Ảnh Đức Mẹ Mân côi được tặng cho chân phước Bartolo Longo, người sáng lập Đền thánh Đức Mẹ tại Pompeii này.

Chân phước Bartolo Longo nguyên là một luật sư, nhưng chuyên lên đồng cầu cơ, và thực hành ma thuật, nhưng đã được ơn hoán cải. Đền thánh có ảnh Đức Mẹ làm phép lạ do cha giải tội Alberto Radente tặng cho chân phước Bartolo Longo, vào năm 1875. Luật sư qua đời năm 1926, thọ 85 tuổi và được Đức Thánh cha Gioan Phaolô II phong chân phước, năm 1980. Chân phước Longo được nhìn nhận là tông đồ của kinh Mân côi.

Đức Thánh cha Phanxicô đã đến viếng thăm Đền thánh Đức Mẹ Mân côi ở Pompeii, ngày 21 tháng Ba năm 2015.

Nay trong sứ điệp gửi đến Đức Tổng giám mục Caputo, Đức Thánh cha chào mừng sáng kiến của Đền thánh Đức Mẹ được đề ra với những chương trình mục vụ thích hợp để cử hành kỷ niệm 150 năm Ảnh Đức Mẹ Mân côi được tôn kính tại đây và ngài cũng hiệp ý với các tín hữu tham dự các buổi lễ này. Đức Thánh cha khẳng định rằng:

“Chúng ta ý thức điều quan trọng dường nào khi tái khám phá vẻ đẹp của kinh Mân côi trong gia đình. Kinh nguyện này là một trợ giúp trong việc kiến tạo hòa bình và điều quan trọng là trình bày với giới trẻ, để họ không cảm thấy kinh này là sự lặp đi lặp lại và một nhịp điệu, nhưng là một hành vi yêu thương, mà ta không bao giờ mệt mỏi trong việc khai triển. Kinh Mân côi cũng là nguồn an ủi cho các bệnh nhân và những người đau khổ, “là chuỗi dây dịu dàng liên kết chúng ta với Thiên Chúa”, và cũng là chuỗi dây làm cho chúng ta ôm lấy những người rốt cùng và bị gạt ra ngoài lề, và dưới mắt chân phước Bartolo Longo, những người ấy đặc biệt là các trẻ mồ côi và các tù nhân. Vì thế, tôi khuyến khích hãy tiếp tục lịch sử bác ái, từ lâu do chân phước đề xướng, nhưng nay được thực thi với một quyết tâm mới, qua nhiều sáng kiến của Đền thánh. Lịch sử ấy chính là gia sản tinh thần đẹp nhất mà chân phước sáng lập viên để lại”.

ĐỨC HỒNG Y BECHARA RAI HY VỌNG NƠI TỔNG THỐNG TRUMP

Trong bài giảng thánh lễ hôm Chúa nhật, ngày 10 tháng Mười Một vừa qua, tại Tòa Thượng phụ Maronite, ở Bkerké, gần Beirut, Đức Hồng y nói: “Tôi hân hoan chúc mừng nước Mỹ về việc bầu Tổng thống mới Donald Trump, và đích thân chúc mừng ông đắc cử, chúng tôi hy vọng việc bầu cử này có thể mang lại tin vui cho Liban và toàn vùng. Hy vọng ông Trump, qua đường ngoại giao, sẽ đạt tới một cuộc ngưng bắn trường kỳ giữa Israel và Hezbollah.”

Đức Thượng phụ tái kêu gọi các giới chức chính trị tại Liban bầu được một vị tổng thống mới, có thể hướng dẫn tất cả những cuộc thương thuyết liên quan đến Liban và bình thường hóa các cơ cấu của đất nước”.

Liban không có tổng thống từ cuối tháng Mười năm 2022, tức là đã hơn hai năm, sau khi Tổng thống Michel Aoun mãn nhiệm kỳ. Các đảng phái chính trị tại quốc hội nước này không thỏa thuận được với nhau để bầu một vị tổng thống mới cho đất nước.

                THÔNG BÁO

1.      Xin mời quý ông bà, anh chị em, đến tham dự buổi cầu nguyện Taizé với chủ đề: CHÚA KITÔ LÀ VUA, vào lúc 19g30, thứ 3, ngày 19.11.2024. Để cùng lắng động, suy niệm và hiệp thông với Chúa Giêsu.

2.      Ủng hộ Giáo xứ:

-          Anh Phêrô Nguyễn Văn Bảo (Simon Hoà)      100 EURO

3.      Ủng hộ Giáng Sinh:

-          Chị Xuân EDEN (Giuse Thị)                          5.000.000 đ

-          Một ân nhân (Giuse Thị)                                 1.000.000 đ

-          Chị Bề (Simon Hoà)                                          200 USD

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 837

 


CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 12, 41-44

 Khi ấy, {Chúa Giê-su phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà góa: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.}

Chúa Giê-su ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể về câu chuyện của bà góa dâng hai đồng xu nhỏ vào đền thờ. Chúa Giêsu đã quan sát, rồi nói với các môn đệ: “Bà góa này đã dâng nhiều hơn ai hết.” Lời nhận định của Chúa cho chúng ta thấy một cái nhìn hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của con người, mời gọi chúng ta hiểu sâu xa ý nghĩa của việc dâng hiến và lòng quảng đại thật sự.

Đối với xã hội thời ấy, hai đồng xu của bà góa có vẻ không đáng giá bao nhiêu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không nhìn vào số lượng mà nhìn vào lòng dạ của bà khi dâng cúng. Bà không chỉ dâng phần dư thừa mà là cả những gì bà có để sống. Đó là một hành động yêu mến và phó thác tuyệt đối. Qua cái nhìn của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu rằng giá trị của một món quà không nằm ở số lượng, mà ở sự hi sinh và lòng chân thành khi trao đi.

Mỗi người chúng ta có thể không sở hữu nhiều của cải, nhưng tất cả đều có thể sống tinh thần quảng đại như người đàn bà góa. Cho đi sự an ủi, sự cảm thông, một lời cầu nguyện, hay một chút thời gian lắng nghe – những điều ấy có thể có ý nghĩa lớn lao và mang lại niềm vui và hy vọng cho những người xung quanh. Chính những điều nhỏ bé này làm phong phú tâm hồn chúng ta và cho thấy sự hiện diện sống động của Chúa trong cuộc đời.

Bà góa dâng cúng hai đồng xu, nhưng qua hành động ấy, bà trao phó cả cuộc đời mình vào tay Thiên Chúa. Đó là một đức tin vững vàng, phó thác không so đo hay tính toán. Cuộc sống hiện đại thường khiến chúng ta lo lắng về sự bảo đảm, sợ hãi khi phải hi sinh. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng, Thiên Chúa là Cha nhân từ, biết rõ những nhu cầu của con cái mình và luôn chăm sóc chúng ta.

Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn cho mình một trái tim phó thác như bà góa. Để qua đó, chúng ta học được cách sống cậy trông vào Chúa hơn, biết tin tưởng rằng Ngài sẽ lo liệu và quan phòng cho mỗi bước đi của chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có được tấm lòng quảng đại và phó thác như người đàn bà nghèo trong Tin Mừng. Xin cho chúng con biết sống yêu thương, biết cho đi từ tấm lòng, không chỉ là của cải mà còn là thời gian, tình yêu, và sự cảm thông. Xin giúp chúng con luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, để dù trong hoàn cảnh nào, chúng con cũng biết đặt trọn cuộc đời mình trong tay Ngài. Amen.

                TIN TỨC

PHIẾU CỦA CÁC CỬ TRI KITÔ GIÚP

ÔNG TRUMP THẮNG CỬ

Theo cuộc thăm dò sau cuộc bỏ phiếu, hôm mùng 05 tháng Mười Một vừa qua, 54% các cử tri Công giáo đã bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Donald Trump, và nơi các tín hữu Tin lành và các tín hữu Kitô khác, ông Trump đạt tới 61%.

Cuộc điều tra của Đài Fox News, với sự cộng tác của hãng thông tấn AP (Associated Press), đưa tới xác quyết trên đây. Qua kết quả này, ông Donald Trump đã đạt được tỷ lệ cao hơn nơi các tín hữu Kitô so với cuộc bầu cử hồi năm 2020. Hồi đó, ông chỉ được nhiều phiếu hơn ứng cử viên Joe Biden nơi các cử tri Công giáo, nhưng ông không thể đạt được nhiều phiếu nơi các cử tri Do thái giáo và Hồi giáo. Lần này, ứng cử viên Kamala Harris được hơn 60% số phiếu của người Do thái và Hồi giáo.

Vẫn theo cuộc thăm dò, phá thai cũng là một vấn đề quan trọng đối với các cử tri tôn giáo trong cuộc bầu cử vừa qua. Trong khi bà Harris cổ võ tự do hoàn toàn về phá thai, thì ông Trump để vấn đề này cho mỗi bang quyết định, như phán quyết hồi năm 2022 của Tối cao pháp viện và không thể rút từ Hiến pháp liên bang quyền phá thai áp dụng cho toàn quốc.

Cuộc thăm dò của tờ Washington Post cho thấy người thắng cử trong cuộc bỏ phiếu lần này đã thuyết phục được ít nhất 28% cử tri muốn các quy luật tự do phá thai. Nhưng nơi những người chống phá thai, ứng cử viên Donald Trump nhận được 90% phiếu ủng hộ.

ĐỨC HỒNG Y QUỐC VỤ KHANH CHÚC MỪNG

TỔNG THỐNG TÂN CỬ DONALD TRUMP

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cầu chúc Tổng thống tân cử của nước Mỹ được nhiều khôn ngoan, và giúp khắc phục tình trạng phân cực trong xã hội.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, hôm mùng 06 tháng Mười Một, bên lề Hội nghị quốc tế, tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma, về đề tài: “Tinh thần của hiệp ước Genève: ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trên công pháp quốc tế về nhân đạo”, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Hiệp ước Genève. Đức Hồng y Parolin nói: “Vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, chúng tôi cầu chúc ông được nhiều khôn ngoan, vì đây là nhân đức chính yếu của những nhà cầm quyền theo Kinh thánh. Tôi tin rằng ông cần làm việc trước tiên để là tổng thống của toàn dân. Vì thế, cần vượt thắng những phân cực đang xảy ra, điều mà người ta cảm thấy rất rõ ràng trong thời điểm ngày nay”. Và nhân danh Tòa Thánh, Đức Hồng y cầu chúc tân Tổng thống Mỹ thực sự có thể là một yếu tố làm lắng dịu những căng thẳng và bình định những xung đột hiện nay đang làm cho thế giới rướm máu”.

Chiến tranh

Cũng về vấn đề chiến tranh, Đức Hồng y Parolin được các ký giả yêu cầu bình luận về lời tuyên bố của ông Trump trong cuộc tranh cử và cả sau khi đắc cử, ông nói rằng: “Tôi sẽ không khởi chiến, nhưng tôi sẽ ngưng các chiến tranh”, Đức Hồng y nói: “Chúng tôi hy vọng, hy vọng! Tôi nghĩ cả ông ấy cũng không có chiếc đũa thần!”. Để chấm dứt chiến tranh, cần rất nhiều khiêm tốn, sẵn sàng, cần phải thực sự tìm kiếm những lợi ích chung của nhân loại, thay vì tập trung vào những lợi ích riêng. Tôi cầu chúc điều đó”.

Đức Hồng y Parolin tỏ ra dè dặt trong việc biểu lộ ý kiến về sự sợ hãi của người Ucraina và Palestine. Họ e ngại rằng “hòa bình có thể gây thiệt hại cho họ”. Đức Hồng y nói: “Chúng ta chờ đợi xem... Thật là khó nói về những khía cạnh này. Chúng ta hãy chờ xem đề nghị nào sẽ được đưa ra, vì nhiều điều vẫn luôn bất định, không chắc chắn. Ví dụ, câu nói thời danh “Ngày hôm sau sẽ chấm dứt chiến tranh...”. Nhưng bằng cách nào? Không ai có thể nói và cả ông Trump cũng không đưa ra những xác định cụ thể: chấm dứt chiến tranh bằng cách nào... Chúng ta chờ xem ông sẽ đề nghị điều gì sau khi nhậm chức”.

Di dân

Được hỏi về vấn đề lập trường của ông Trump đối với những người di dân, trong cuộc tranh cử, ông hứa sẽ trục xuất hàng loạt những người Mỹ châu Latinh nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, Đức Hồng y Parolin nhắc lại rằng: “Lập trường của Đức Giáo hoàng và của Tòa Thánh rất rõ ràng. Chúng tôi ủng hộ một chính sách khôn ngoan đối với người di dân và vì thế, không đi tới những lập trường cực đoan. Đức Giáo hoàng đã đưa ra những chỉ dẫn rất rõ ràng về vấn đề này. Tôi tin rằng cách duy nhất để đối phó với vấn đề này là giải quyết nó một cách nhân đạo”.

KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC

1.  Bà Maria Trương Thị Chung, Giáo họ Anrê Trông, đã được Chúa gọi về ngày 03/11/2024. Lễ an táng cử hành ngày 5/11/2024, xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho bà.

2.  Ông Phaolô Nguyễn Ngọc Như, Giáo họ Anrê Kim Thông đã được Chúa gọi về ngày 06/11/2024. Lễ an táng cử hành ngày 9/11/2024, xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho ông.

THÔNG BÁO

1.         Vào lúc 5h sáng Chúa Nhật ngày 17/11/2024, lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là bổn mạng của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. Kính mời cộng đoàn tham dự thánh lễ để thêm lời cầu nguyện cho quý hội đồng.

2.    2.     Ủng hộ Giáng Sinh:

-          Gia đình anh Tuệ (Anrê Kim Thông)                3.000.000 đ

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 836

 


CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 12, 28b-34

 Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giê-su và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giê-su đáp:

“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giê-su bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và một kinh sư về điều răn trọng nhất. Chúa Giêsu trả lời bằng câu khẳng định đã trở thành cốt lõi của đức tin Kitô giáo: "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Và ngươi hãy yêu thương người thân cận như chính mình." Đây không chỉ là một lời dạy về luân lý, mà còn là nền tảng để sống đức tin đích thực.

1. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực

Lời mời gọi yêu mến Chúa "hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực" là một lời mời gọi toàn diện, chạm đến tất cả mọi phương diện của con người. Để yêu Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở lý trí hay cảm xúc, mà là bằng cả con người chúng ta. Yêu mến Chúa bằng cả tâm hồn nghĩa là đặt Ngài lên trên hết mọi sự, để Ngài trở thành lý tưởng và động lực trong mọi quyết định và hành động của chúng ta.

Tình yêu này còn đòi hỏi một sự hy sinh, sẵn sàng từ bỏ những gì cản trở chúng ta đến gần Chúa hơn. Thay vì yêu mến Chúa bằng lời nói, chúng ta cần diễn tả tình yêu ấy qua những hy sinh, cầu nguyện, phục vụ, và qua cách chúng ta sống mỗi ngày.

2. Yêu người thân cận như chính mình

Cùng với tình yêu dành cho Chúa, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta yêu thương người thân cận như chính mình. Tình yêu này đòi hỏi chúng ta sống một cách bác ái, quảng đại, và cảm thông. Yêu người không chỉ là tránh làm điều xấu mà còn chủ động giúp đỡ, chia sẻ và nâng đỡ khi thấy họ gặp khó khăn. Qua việc yêu thương người thân cận, chúng ta thể hiện tình yêu với Thiên Chúa, vì mỗi người là hình ảnh của Ngài.

Yêu người thân cận như chính mình cũng là yêu họ bằng sự kính trọng và trân trọng. Chúng ta không chỉ yêu thương những người thân quen, mà cả những người không quen biết, những ai yếu đuối, những người mà có thể đôi khi chúng ta dễ bỏ qua hay xét đoán.

3. Đạo yêu thương – con đường ngắn nhất để đến với Chúa

Qua lời dạy về yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, Chúa Giêsu chỉ ra con đường đích thực của đức tin Kitô hữu. Yêu thương – một tình yêu phát xuất từ Chúa và lan tỏa đến tất cả mọi người xung quanh. Chính nhờ yêu thương mà chúng ta trở nên gần gũi hơn với Thiên Chúa và biết sống với nhau trong hòa bình, thấu hiểu và tha thứ.

Sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống chúng ta cũng được thể hiện qua cách chúng ta yêu thương và quan tâm đến người khác. Khi sống yêu thương, chúng ta trở thành dấu chỉ của Chúa, là ánh sáng và muối cho đời, mang lại hy vọng và niềm vui cho mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực, để Ngài luôn là trung tâm của cuộc sống chúng con. Xin giúp chúng con biết yêu thương người thân cận như chính mình, để trở thành sứ giả của tình yêu và hòa bình trong thế giới. Amen.

                TIN TỨC

BỔ NHIỆM GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Giuse Vũ Công Viện, thuộc linh mục đoàn tổng giáo phận Hà Nội, làm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội.

 - Ngày 26 tháng 10 năm 2024, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Linh mục Giuse Vũ Công Viện, thuộc linh mục đoàn tổng giáo phận Hà Nội, làm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ


  

 

Tiểu sử Linh mục Giuse Vũ Công Viện

- Sinh ngày: 23/2/1973

- Quê quán: Thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội; thuộc giáo xứ Tân Độ, tổng giáo phận Hà Nội.

- 2000 - 2007: Tu học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội

- Ngày 31/5/2007: Lãnh chức Phó tế

- Ngày 20/12/2007: Thụ phong linh mục qua nghi thức đặt tay của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội

- 2008 - 2010: Linh mục Phó xứ An Lộc, thường trực tại Bình Cách 

- 2010 - 2014: Du học tại Philippines và Canada

- 2014: Tốt nghiệp học vị Thạc sĩ Giáo luật tại Saint Paul University, Ottawa, Canada

- Từ năm 2014 đến nay: Linh mục Đại diện Tư pháp

- Từ năm 2014 đến năm 2018: Linh mục Phó văn phòng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội

- 2015 - 2021: Linh mục Chính xứ Nam Dư

- 2021 - 2022: Linh mục Chính xứ Kẻ Sét

- 2021 - 2022: Phó Tổng Thư ký và thành viên Ban Soạn thảo Công nghị tổng giáo phận Hà Nội

- Từ năm 2022 đến nay: Giám học Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội

- Từ ngày 16/01/2024: Phó Chánh Văn phòng tiếp nhận trình báo lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương của tổng giáo phận Hà Nội.

 - Ngày 26 tháng 10 năm 2024: Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá tổng giáo phận Hà Nội.

THÔNG BÁO

1.      Toà Giám mục có gửi đến Giáo xứ chúng ta một số quyển “Kỷ yếu Giáo phận”. Quyển sách này không chỉ là tài liệu lịch sử mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành trình phát triển của Giáo phận. Hãy cùng nhau trân trọng và lưu giữ những trang sử hào hùng này. Số lượng còn rất nhiều, liên hệ Thầy xứ để mua với giá 150.000 đồng/quyển.

2.         Tính đến ngày 02/11/2024, Giáo xứ chúng ta đã góp cho quỹ Truyền Giáo được 30 triệu đồng, xin cám ơn sự đóng góp của quý cộng đoàn.

3.         Xin mời quý ông bà, anh chị em, đến tham dự buổi cầu nguyện Taizé với chủ đề: Giá trị đích thực của hành vi bác ái. Vào lúc 19g30, thứ 3, ngày 5.11.2024. Để cùng lắng động, suy niệm và hiệp thông với Chúa Giêsu.

4.         Ủng hộ Giáo xứ

-          Ghe Lê Minh                                       10.000.000 đ

        5.         Ủng hộ Giáng Sinh:

-          Anh Lành (Matthêu Phượng)               1.000.000 đ

-          Lê Thị Hồng Hạnh (ở Đức)                         1.000 EURO

-          Một ân nhân (Anrê Trông)                              200 USD

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 835

 



CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 10, 46-52

 Khi ấy, Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Đavít, xin thương xót tôi”.

Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Được, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể về phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho anh mù Bartimê tại thành Giêricô. Hình ảnh Bartimê ngồi bên vệ đường, trong cảnh mù lòa và nghèo khổ, kêu xin Chúa Giêsu "Lạy Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương con" là một lời cầu khẩn đầy khát khao và niềm tin.

1. Lòng tin mạnh mẽ của Bartimê

Điểm nổi bật trong câu chuyện này chính là đức tin mạnh mẽ của Bartimê. Mặc dù anh mù lòa, nhưng đôi mắt tâm hồn anh lại sáng rõ. Anh nhận ra Chúa Giêsu là Con Vua Đavít, là Đấng có quyền năng chữa lành và ban ơn cứu độ. Lời kêu xin tha thiết của anh không ngừng vang lên, bất chấp những lời quở trách và ngăn cản từ đám đông. Chính niềm tin mạnh mẽ này đã thúc đẩy anh đến gần Chúa và được Ngài chữa lành.

Chúa Giêsu không chữa lành cho Bartimê ngay lập tức, nhưng Ngài hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Câu hỏi này nhấn mạnh sự tôn trọng và yêu thương của Chúa đối với mỗi người. Ngài luôn muốn chúng ta bày tỏ ước muốn của mình với Ngài bằng lòng tin tưởng và chân thành. Bartimê đáp lại: "Lạy Thầy, xin cho con được thấy."

2. Chúa Giêsu, nguồn ánh sáng và sự sống

Bartimê muốn được "thấy", không chỉ là ánh sáng bên ngoài mà còn là ánh sáng nội tâm, ánh sáng của đức tin. Sự mù lòa của anh là biểu tượng cho sự mù lòa tâm linh mà mỗi người trong chúng ta đôi khi mắc phải. Chúng ta có thể không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống, không nhận thấy Ngài đang hiện diện và hoạt động mỗi ngày. Cũng như Bartimê, chúng ta cần kêu lên: "Lạy Chúa, xin cho con được thấy", để Ngài mở mắt đức tin cho chúng ta, giúp chúng ta nhận ra tình yêu và sự dẫn dắt của Ngài trong mọi hoàn cảnh.

3. Hành trình của một đức tin sống động

Bartimê không chỉ được chữa lành mà còn được biến đổi. Sau khi được nhìn thấy, anh "đi theo Chúa trên con đường Ngài đi." Điều này là một lời mời gọi dành cho tất cả chúng ta. Khi Chúa ban ơn và chữa lành, Ngài cũng mời gọi chúng ta đi theo Ngài, sống đức tin một cách cụ thể, biết ơn và trung thành. Đức tin không chỉ là sự nhận biết, mà còn là hành động, là bước đi theo Chúa trên hành trình đời sống mỗi ngày.

4. Lời mời gọi đổi mới cuộc sống

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên như Bartimê – biết khao khát gặp gỡ Chúa, biết nhận ra sự hiện diện của Ngài và không ngừng tin tưởng kêu xin Ngài trợ giúp. Dù cuộc sống có khó khăn, thử thách, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu luôn ở gần, lắng nghe và sẵn sàng chữa lành. Điều Ngài cần là một trái tim khiêm nhường, một đức tin mạnh mẽ và một tâm hồn biết ơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì đã mở mắt đức tin của chúng con. Xin giúp chúng con biết noi gương Bartimê, luôn khao khát tìm kiếm Chúa, biết kêu cầu Chúa với lòng tin tưởng và chân thành. Xin ban cho chúng con ánh sáng của Chúa để chúng con nhận ra Ngài trong mọi hoàn cảnh và dấn thân theo Chúa trong hành trình đức tin. Amen.

                TIN TỨC

CARITAS HUẾ – THƯ CẢM ƠN VỀ VIỆC GIÚP ĐỠ CÁC NẠN NHÂN THIÊN TAI TẠI CÁC TỈNH MIỀN BẮC

WGPH (16/10/2024) - Thay lời cho Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh và những nạn nhân bị ảnh hưởng do thiên tai tại Miền Bắc, Linh mục Anrê Lê Minh Phú, Giám đốc Caritas Tổng Giáo phận Huế, đã viết thư cảm ơn về việc giúp đỡ các nạn nhân thiên tai trong thời gian qua. Sau đây là nguyên văn Thư cảm ơn:



THÔNG BÁO

1.      Toà Giám mục có gửi đến Giáo xứ chúng ta một số quyển “Kỷ yếu Giáo phận”. Quyển sách này không chỉ là tài liệu lịch sử mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành trình phát triển của Giáo phận. Hãy cùng nhau trân trọng và lưu giữ những trang sử hào hùng này. Số lượng còn rất nhiều, liên hệ Thầy xứ để mua với giá 150.000 đồng/quyển.

2.         Vào Thứ Tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024, quý cha sẽ ngồi tòa giải tội vào hai khung giờ: buổi sáng từ 8h00 đến 10h30 và buổi chiều từ 14h00 đến 16h00. Xin mọi người chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận bí tích Hòa Giải để đón nhận ơn toàn xá, dâng lời cầu nguyện cho các linh hồn trong tháng 11 này. Nguyện xin Chúa thương xót và ban ơn bình an cho tất cả các linh hồn.

3.         Thứ Sáu, ngày 01/11/2023 lễ trọng, Các Thánh Nam Nữ. Kính mời cộng đoàn đi đông đủ để tham dự Thánh lễ.

4.         Thứ Bảy, ngày 02/11/2023, Lễ Các Đẳng. Kính mời cộng đoàn đi tham dự Thánh lễ đông đủ để cầu nguyện cho người thân của chúng ta.

5.         Vào lúc 7h, sáng Thứ Bảy, ngày 02/11/2024, sẽ có rửa tội cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Xin quý cha mẹ có con Rửa tội, đến xin giấy giới thiệu nơi Ban Điều Hành giáo họ, và nộp sổ gia đình về văn phòng giáo xứ trong tuần này.

6.         Ủng hộ Giáo xứ

-          Ghe Mỹ Quang                                               5.000.000 đ

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 834

 


CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 10, 35-45

 Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

                SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 10,35-45) đưa chúng ta đến cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và hai anh em Giacôbê, Gioan, khi họ xin được ngồi bên phải và bên trái Chúa trong vinh quang. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã khéo léo hướng họ đến ý nghĩa thực sự của quyền lực và danh dự: không phải là ngồi trên ngai vinh quang, mà là phục vụ và hy sinh cho người khác.

Sứ vụ truyền giáo – Phục vụ trong yêu thương

Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng: "Ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người" (Mc 10,44). Đây chính là bài học quan trọng cho chúng ta, nhất là trong bối cảnh truyền giáo. Truyền giáo không phải là một cuộc chinh phục bằng quyền lực, mà là một hành trình của yêu thương và phục vụ. Chúng ta không thể rao giảng Tin Mừng bằng lời nói suông hay quyền uy, nhưng bằng một đời sống hy sinh, quan tâm và phục vụ người khác như chính Chúa Giêsu đã làm. Chính Ngài là mẫu gương của việc "hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người" (Mc 10,45).

Truyền giáo là sẻ chia niềm tin

Chúa Nhật hôm nay, chúng ta được mời gọi suy nghĩ về sứ vụ truyền giáo trong cuộc sống của mỗi người. Truyền giáo không chỉ là trách nhiệm của các linh mục, tu sĩ hay những người đi đến những vùng đất xa xôi, mà là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu. Mỗi cử chỉ yêu thương, mỗi hành động hy sinh, mỗi lời nói khích lệ đều là một cách thức để rao giảng Tin Mừng. Khi chúng ta sống thật với niềm tin của mình, người khác sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa qua chúng ta.

Lời cầu nguyện cho việc truyền giáo

Chúa Nhật Truyền Giáo cũng là dịp để chúng ta cầu nguyện cho những người đang dấn thân trên con đường truyền giáo, đặc biệt là những anh chị em đang làm việc ở những vùng đất xa xôi, nơi mà Tin Mừng chưa được rao giảng, luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách để đưa ánh sáng của Chúa đến với những người chưa biết Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng nhiệt thành trong sứ vụ truyền giáo. Xin cho chúng con biết sống tinh thần phục vụ và yêu thương như Chúa đã dạy. Xin nâng đỡ và bảo vệ những nhà truyền giáo đang thi hành sứ vụ trên khắp thế giới, để họ luôn vững vàng trong đức tin và đầy ơn thánh. Chúng con cũng cầu nguyện cho chính mình, để mỗi ngày chúng con biết sống như những chứng nhân của Chúa giữa đời, để mọi người nhận ra tình yêu và sự hiện diện của Chúa qua cuộc sống của chúng con. Amen.

                    TIN TỨC

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ KHÍCH LỆ CÁC TRẺ EM THAM GIA CHIẾN DỊCH ĐỌC KINH MÂN CÔI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Thứ Sáu, ngày 18 tháng Mười này, do sáng kiến của Tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, từ năm 2005, hàng triệu trẻ em trên thế giới, sẽ đọc kinh Mân côi.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật, ngày 13 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh cha nói: “Thứ Sáu tới đây, ngày 18 tháng Mười, tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” cổ võ sáng kiến “Một triệu trẻ em đọc kinh Mân côi cầu nguyện cho hòa bình thế giới”. Cám ơn tất cả các trẻ em nam nữ tham gia! Chúng ta cùng nhau hiệp nguyện với các em và phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ - ngày hôm nay 13 tháng Mười, là kỷ niệm lần hiện ra cuối cùng của Đức Mẹ ở Fatima, để cầu cho Ucraina, Myanmar, Sudan và các dân tộc khác đang chịu đau khổ vì chiến tranh và mọi hình thức bạo lực và lầm than”.

Mục đích chính của sáng kiến này là để chứng tỏ rằng kinh nguyện tín thác của các trẻ em lên thẳng đến tâm hồn của Thiên Chúa, như một mũi tên và vì thế có năng lực mạnh mẽ.

Sáng kiến này nảy sinh hồi năm 2005, ở thủ đô Venezuela. Trong khi một số trẻ em cầu nguyện trước một khám nhỏ có tượng ảnh Đức Mẹ, dọc theo đường lộ, nhiều phụ nữ hiện diện cảm thấy sự hiện diện của Đức Mẹ một cách mạnh mẽ.

Tháng Mười, theo truyền thống là tháng Mân côi và ngày 18 tháng Mười là lễ kính thánh Luca thánh cử. Thánh nhân đã truyền lại lịch sử thơ ấu của Chúa Giêsu, và theo truyền thống, thánh Luca đặc biệt gần gũi với Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, vì thế ngày 18 tháng Mười là một ngày đặc biệt ý nghĩa.

Do vậy, việc đọc kinh Mân côi của các trẻ em đặc biệt hiệu năng cho hòa bình và sự hiệp nhất trong các gia đình, trong đất nước của các em và trên toàn thế giới. “Khi một triệu trẻ em cầu nguyện với kinh Mân côi, thế giới sẽ thay đổi”, như lời cha thánh Piô, vị linh mục mang năm dấu thánh.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRỞ THÀNH VỊ GIÁO HOÀNG CAO NIÊN NHẤT CAI QUẢN GIÁO HỘI

Đức Thánh cha Phanxicô sinh ngày 17 tháng Mười Hai năm 1936, và ngày 17 tháng Mười, ngài tròn 32.082 ngày từ khi sinh ra. Vị Giáo hoàng đứng thứ I về phương diện này là Đức Lêô XIII, tục danh là Vincenzo Gioacchino Pecci, qua đời ngày 20 tháng Bảy năm 1903, thọ 93 tuổi, tức là 34.108 ngày. Để vượt vị Giáo hoàng tiền nhiệm này, Đức Thánh cha đương kim phải tiếp tục cai quản Giáo hội hơn 5 năm rưỡi nữa tức là cho đến ngày 07 tháng Năm năm 2030.

Đứng thứ ba sau Đức Thánh cha Phanxicô là Đức Giáo hoàng Clemente XII, tục danh là Lorenzo Corsini, sinh ngày 07 tháng Tư năm 1652, và thọ 87 tuổi, qua đời năm 1740, tức là ngài sống 32.081 ngày.

Cũng nên nói rằng vị trẻ nhất trong lịch sử Giáo hội khi làm Giáo hoàng là Gioan XII, hay là Octaviano miền Tusculum, Hoàng tử của Vua Alberic II. Nhà vua đích thân bổ nhiệm con của mình làm Giáo hoàng. Ngày 16 tháng Mười Hai năm 955, khi bắt đầu sứ vụ, Đức Gioan XII được 18 tuổi và cai trị Giáo hội trong gần chín năm, cho đến ngày 14 tháng Năm năm 964, lúc mới được khoảng 26-27 tuổi.

Vị cao niên nhất khi được bầu làm Giáo hoàng là Agathon, người miền Sicilia, gốc Hy Lạp, được bầu lên hồi tháng Sáu năm 678, khi đã hơn 100 tuổi, theo một số nguồn sử liệu và cai quản Giáo hội trong hai năm bảy tháng, cho đến ngày 10 tháng Giêng năm 681.

    VUI VỚI NGƯỜI VUI

Chị Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Bích (Huynh trưởng Giáo xứ) và anh Phêrô Nguyễn Minh Anh, đã cử hành bí tích hôn phối tại nhà thờ Chính Tòa, vào thứ Năm ngày 17.10.2024. Giáo xứ xin chia vui và cầu chúc cho đôi bạn sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

    THÔNG BÁO

1.      Toà Giám mục có gửi đến Giáo xứ chúng ta một số quyển “Kỷ yếu Giáo phận”. Quyển sách này không chỉ là tài liệu lịch sử mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành trình phát triển của Giáo phận. Hãy cùng nhau trân trọng và lưu giữ những trang sử hào hùng này. Số lượng còn rất nhiều, liên hệ Thầy xứ để mua với giá 150.000 đồng/quyển.

2.      Vào lúc 17h45, chiều thứ Năm, ngày 24/10/2023 lễ kính Thánh Giuse Lê Đăng Thị là bổn mạng Giáo họ Giuse Thị. Kính mời cộng đoàn tham dự thánh lễ để thêm lời cầu nguyện cho Giáo họ.

3.      Vào Sáng Thứ Bảy, ngày 26/10/2024, sẽ trao Mình Thánh Chúa cho người già và bệnh nhân. Những gia đình nào có nhu cầu xin đăng ký với ban điều hành Giáo họ của mình, đồng thời chuẩn bị nơi xứng đáng để người thân lãnh nhận Bí tích.

4.      Sau lễ chiều thứ Bảy, ngày 26/10/2024, sẽ bế mạc tháng Mân Côi, mời cộng đoàn tham dự thánh lễ và tham gia giờ kiệu kính Đức Mẹ.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

BẢN TIN HẰNG TUẦN SỐ 833

 


CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN

LỜI CHÚA: Mc 10, 17-27

Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng (Mc 10, 17-30) kể về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người thanh niên giàu có. Người này chạy đến Chúa Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đây là một câu hỏi rất đáng suy ngẫm, vì nó phản ánh khát khao sâu thẳm của mỗi con người: tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách nhắc lại các điều răn trong Luật Môsê, và người thanh niên đáp rằng anh đã tuân giữ tất cả từ nhỏ. Thế nhưng, Chúa Giêsu thấy nơi anh còn một điều thiếu sót. Ngài mời gọi anh bán hết tài sản, phân phát cho người nghèo, rồi theo Ngài. Đối diện với lời mời gọi này, anh thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải.

Câu chuyện này không chỉ dừng lại ở sự kiện người thanh niên giàu có không sẵn lòng từ bỏ tài sản, mà còn đặt ra cho chúng ta một câu hỏi sâu sắc hơn: “Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ những gì đang trói buộc mình để bước theo Chúa không?”

Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi chúng ta tuân giữ các giới răn, mà còn mời gọi chúng ta bước vào một mối tương quan sâu xa hơn với Ngài. Để làm được điều này, chúng ta phải dám từ bỏ những gì làm chúng ta xa rời Thiên Chúa: đó có thể là của cải vật chất, danh vọng, quyền lực, hay thậm chí là những mối quan hệ không lành mạnh. Từ bỏ không có nghĩa là ta không cần đến của cải, nhưng là đặt Chúa lên trên hết, trên mọi điều khác.

“Người giàu có vào Nước Thiên Chúa khó biết bao!” Lời này không nhằm chỉ trích những người giàu, nhưng để cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của việc đặt quá nhiều niềm tin và sự lệ thuộc vào của cải. Của cải có thể trở thành gánh nặng, khiến chúng ta khó có thể sống tự do và hoàn toàn tín thác vào Chúa.

Cuối cùng, khi các môn đệ ngạc nhiên trước lời dạy của Chúa, Ngài khẳng định rằng: “Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.” Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, sức mạnh và ơn cứu độ không đến từ chúng ta, nhưng là ân sủng của Thiên Chúa. Với Ngài, chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách và khó khăn, nếu chúng ta biết phó thác.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết từ bỏ những gì đang cản trở con bước theo Chúa, biết đặt Chúa trên hết mọi sự và tin tưởng vào ơn trợ giúp của Chúa. Xin ban cho con sự can đảm và lòng quảng đại để sống theo lời mời gọi yêu thương và chia sẻ với những người nghèo khổ xung quanh con. Amen.

  TIN TỨC

THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC CHO

ĐỨC CHA TÂN CỬ ĐAMINH NGUYỄN TUẤN ANH

NGÀY 09/10/2024

Trong WHĐ (09/10/2024) - Thánh lễ Truyền chức Giám mục cho Đức cha tân cử Đaminh Nguyễn Tuấn Anh, được cử hành vào lúc 07g30 thứ Tư ngày 09/10/2024 tại Tòa Giám mục Xuân Lộc.

Hiện diện trong Thánh lễ này có: Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam; Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn; 27 vị trong Giám mục đoàn Việt Nam; khoảng 450 linh mục; cùng khoảng 15 ngàn người, gồm rất đông tu sĩ, chủng sinh, thân nhân Đức cha Tân cử và giáo dân của nhiều giáo phận.

Lúc 07g25, vị linh mục đại diện Giáo phận Xuân Lộc đã chào mừng các vị giám mục đang hiện diện và trình bày đôi nét về Giáo phận Xuân Lộc trước khi đoàn đồng tế tiến lên lễ đài.

Khởi sự Thánh lễ, Đức Giám mục chủ tế Gioan Đỗ Văn Ngân - Giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc - đã ngỏ lời chào mừng mọi người, đồng thời xin cộng đoàn cầu nguyện cho vị Tân Giám mục Phụ tá Giáo phân Xuân Lộc.

Nghi thức Truyền chức Giám mục

Sau bài Tin mừng của Thánh lễ là Nghi thức Truyền chức Giám Mục, với vị Chủ phong là Đức Giám mục Gioan Đỗ Văn Ngân, và 2 vị Phụ phong là Đức Giám mục Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu - Giám mục Giáo phận Bùi Chu - và Đức Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Huy Bắc - Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột.

Nghi thức khởi sự với bài hát xin Ơn Chúa Thánh Thần (Veni Creator Spiritus), Lời giới thiệu tiến chức và Lời công bố Tông sắc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tiếp theo là bài chia sẻ Lời Chúa của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh.

Nghi thức Truyền chức tiếp tục với các nghi thức:

- Thẩm vấn cùng với lời hứa của Tiến Chức; Kinh cầu Các Thánh (Tiến chức phủ phục trong khi cộng đoàn cầu nguyện cùng Chúa và các Thánh cho Tiến chức);

- Nghi thức chính yếu: các Giám mục đặt tay trên đầu Tiến chức; vị Chủ phong đặt sách Tin Mừng trên đầu Tiến chức; vị Chủ phong đọc lời nguyện truyền chức;

 

- Nghi thức diễn nghĩa: xức dầu thánh; trao nhẫn giám mục; đội mũ Mitra; trao gậy mục tử; vị Tân chức ngồi vào ghế giám mục; vị Tân chức được các Giám mục trao hôn bình an để gia nhập Giám mục đoàn.

Thánh lễ được nối tiếp với vị chủ tế là Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân.

Cuối Thánh lễ, Đức tân Giám mục Đaminh đi đến các khu vực cộng đoàn tham dự Thánh lễ để ban phép lành.

Các lời chúc mừng

1/ Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện Toà Thánh - cảm ơn và chúc mừng Đức Tân Giám mục Vinh Sơn.

2/ Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam - bày tỏ niềm vui vì Giáo phân Xuân Lộc có thêm vị mục tử đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo phận này.

3/ Linh mục Đaminh Ngô Công Sứ - là vị điều hành Hội Đồng linh mục Xuân Lộc - đã đại diện cộng đoàn dân Chúa giáo phận chúc mừng, bày tỏ lòng quý mến và hứa hiệp hành với Tân Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc - vị Giám mục thứ 9 lớn lên và phục vụ trong Giáo phận này.

Đáp từ, Đức tân Giám mục ngỏ lời cảm ơn mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận và khắp nơi.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g30 trong niềm vui lớn lao của Giáo hội Việt Nam khi có thêm một vị giám mục mới.

 

THÔNG BÁO

 

1.                       Toà Giám mục có gửi đến Giáo xứ chúng ta một số quyển “Kỷ yếu Giáo phận”. Quyển sách này không chỉ là tài liệu lịch sử mà còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành trình phát triển của Giáo phận. Hãy cùng nhau trân trọng và lưu giữ những trang sử hào hùng này. Liên hệ Thầy xứ để mua với giá 150.000 đồng/quyển.

2.                    Vào lúc 8g30 sáng Chúa Nhật (20.10.2024), sau Thánh lễ thiếu nhi, xin mời quý Sơ - đại diện 2 cộng đoàn và quý Hội Đồng Mục Vụ, tham dự cuộc họp tại Văn phòng Giáo xứ, để chuận bị cho chương trình Giáng Sinh 2024. Xin đi đầy đủ và đúng giờ.

3.                 Trong tuần này, Ban Điều hành các Giáo họ, sẽ gởi phong bì, để kêu gọi quyên góp cho Quỹ Truyền Giáo của Giáo phận. Kính xin quý ông bà -  anh chị em rộng tay ủng hộ cho nguồn quỹ này.